Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters) |
Reuters cho biết, phát biểu bên lề chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 14/5, một phát ngôn viên Điện Kremlin nói rằng, người đứng đầu chính phủ Nga đã bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa sáng sớm nay của Triều Tiên. Tuy nhiên, người phát ngôn này không cung cấp thêm chi tiết về phản ứng của phía Nga.
Những thông tin này đưa ra không lâu sau khi Nhà Trắng ra thông cáo nói rằng: “Tổng thống (Donald Trump) đã được thông báo về vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên. Với việc tầm ảnh hưởng của tên lửa Triều Tiên gần lãnh thổ Nga hơn gần Nhật Bản, Tổng thống không thể hình dung được Nga sẽ làm ngơ”.
Thông cáo cũng nhấn mạnh thêm: “Từ lâu, Triều Tiên rõ ràng là một mối đe dọa. Hàn Quốc và Nhật Bản đang theo sát vụ này cùng chúng tôi. Mỹ duy trì cam kết mạnh mẽ rằng sẽ sát cánh với các đồng minh để đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng từ Triều Tiên. Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này là lời kêu gọi tới tất cả các nước triển khai những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên".
Theo nguồn tin quân sự Hàn Quốc, sáng sớm nay, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ vùng biển ở tỉnh North Pyongan. Tên lửa được cho là đã đạt tới tọa độ hơn 2.000 km và bay được chặng đường khoảng 700-800km trước khi rơi xuống vùng biển cách bờ biển phía đông Triều Tiên khoảng 400km, và chưa chạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, Mỹ ước tính tên lửa này rơi ở vị trí cách khu vực Vladivostok - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga - chưa đầy 100km. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận họ đã phát hiện và theo dõi đường bay của tên lửa Triều Tiên nhưng cho rằng đây không phải là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và không đe dọa đến an ninh khu vực Bắc Mỹ.
Carl Schuster, một giáo sư đến từ Đại học Hawaii Thái Bình Dương và nguyên là Giám đốc phụ trách hoạt động của Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng việc tên lửa Triều Tiên bay theo hướng gần Nga dường như là Triều Tiên muốn gửi thông điệp đến cho cả Nga và Trung Quốc.
Về phía Nga, theo thông cáo của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Putin hôm 12/5 đã điện đàm với tân Tổng thống Moon Jae-in khẳng định rằng, Nga sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong giải quyết mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Nga là 1 trong 6 quốc gia tham gia đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoài Nga còn có Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, các vòng đàm phán 6 bên đã sụp đổ từ năm 2008 sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa.
Trước đó, hôm 29/4, Triều Tiên cũng được cho là phóng một tên lửa tầm trung KN-17. Tên lửa phát nổ chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng. Theo tờ Seoul Economy Daily, tên lửa Triều Tiên đã di chuyển hướng về phía Nga trước khi phát nổ. Các quan chức Triều Tiên đã nhanh chóng nhận ra hướng đi sai lệch của tên lửa này và ngay lập tức kích hoạt chế độ tự hủy của tên lửa. Trước tình huống này, Tổng thống Vladimir Putin được cho là đã đặt Nga vào tình trạng báo động cao, tập trung vào khu vực phía đông.