Thẩm định Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 25/11, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Báo cáo Quy hoạch Tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển vững chắc hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác.

Bên cạnh đó, Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN, là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng; không gian kinh tế - xã hội được bố trí hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối hiệu quả với các địa phương trong vùng...

Phát biểu tại Phiên họp, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, để mục tiêu trên trở thành hiện thực, trước tiên tỉnh An Giang cần phải xây dựng Quy hoạch Tỉnh với chất lượng tốt, phản ánh đúng bối cảnh, thực trạng của địa phương, nhận định chính xác thuận lợi và khó khăn; đề ra chiến lược, giải pháp thực chất, khả thi và nhất là phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong Báo cáo Quy hoạch, An Giang lựa chọn kịch bản phát triển với định hướng là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại Tỉnh; bên cạnh đó là phát triển các nền tảng công nghiệp chế tác phù hợp với nguồn lực con người, nhất là tranh thủ thời cơ dân số vàng, để đưa Tỉnh nhanh chóng thoát khỏi thực trạng kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông thôn, năng suất thấp. Mặt khác, với lợi thế vị trí chiến lược địa kinh tế, địa chính trị đặt trong mối quan hệ Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và cộng đồng kinh tế ASEAN, An Giang có thể phát triển trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, du lịch, đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm.

Kịch bản này đòi hỏi sự năng động, chủ động của tỉnh An Giang trong việc nắm bắt các cơ hội từ bên ngoài, kết hợp tốt với các nguồn lực nội tại để phát huy các tiềm năng, lợi thế một cách phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước. Đồng thời, kịch bản này cũng phù hợp với kịch bản phát triển không gian của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Quy hoạch Vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thẩm định đối với Hồ sơ Quy hoạch tỉnh An Giang, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, Hồ sơ Quy hoạch Tỉnh đã đảm bảo đầy đủ hồ sơ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đã xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh.

Sau khi tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện nội dung theo ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, ý kiến của các chuyên gia phản biện và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định kiến nghị Hội đồng thẩm định nghiên cứu, xem xét thông qua Quy hoạch tỉnh An Giang và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục