Tham vọng xây dựng không quân cơ động toàn cầu của Trung Quốc

Với việc xây dựng quân đoàn dù tinh nhuệ và mua sắm vận tải cơ chiến lược, Trung Quốc muốn tăng khả năng triển khai lực lượng toàn cầu của không quân.
Vận tải cơ An-225 là máy bay lớn nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Wikipedia
Vận tải cơ An-225 là máy bay lớn nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Wikipedia

Là quốc gia có lãnh thổ rất rộng lớn, Trung Quốc bắt buộc phải xây dựng một lực lượng không quân cơ động, linh hoạt có thể triển khai đến bất kỳ nơi nào cần thiết để đối phó với mối đe dọa an ninh hoặc đơn thuần chỉ là một thảm họa thiên nhiên xảy ra tại một khu vực xa xôi, theo Stratfor.

Theo chuyên gia phân tích quân sự Omar Lamrani, khả năng vận chuyển, cơ động lực lượng quân sự bằng đường hàng không lại là điểm yếu lớn nhất hiện nay của không quân Trung Quốc, buộc nước này phải tìm mọi cách khắc phục để thực hiện tham vọng vươn ra toàn cầu.

Về lực lượng cơ động, Trung Quốc đã xây dựng quân đoàn dù số 15 thành một lực lượng tinh nhuệ có thể sánh ngang với quân đoàn dù 18 của Mỹ. Với quân số xấp xỉ 30.000 người, quân đoàn dù 15 là nòng cốt của lực lượng dự bị và phản ứng nhanh chiến lược của không quân Trung Quốc.

Binh sĩ của quân đoàn này là những người được đào tạo bài bản nhất trong quân đội Trung Quốc, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ đổ bộ đường không, tấn công trên không, hoạt động trong lãnh thổ đối phương.

Ngoài ra, quân đoàn dù 15 còn được trang bị những vũ khí tối tân và cơ động nhất của quân đội Trung Quốc như xe thiết giáp hạng nhẹ có thể được thả xuống từ máy bay vận tải, nhờ đó tăng được đáng kể hỏa lực cần thiết để yểm trợ cho các binh sĩ đang chiến đấu trong chiến tuyến của đối phương.

Nhưng để vận chuyển được lực lượng hùng hậu này đến địa điểm cần thiết một cách nhanh chóng nhất, Trung Quốc buộc phải sở hữu nhiều phương tiện vận tải hàng không chiến lược.

Với số lượng máy bay vận tải Il-76 và Y-8 hạn chế, trong vòng 48 tiếng Trung Quốc chỉ có thể triển khai ra toàn quốc một sư đoàn thuộc quân đoàn dù 15. Chính vì thế khắc phục điểm yếu về vận chuyển hiện là ưu tiên hàng đầu của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Trung Quốc gần đây đẩy mạnh đầu tư cho các phi đội vận tải chiến lược và đã có những thành quả nhất định, điển hình như việc sản xuất 2 loại máy bay vận tải mới là vận tải cơ tầm trung Shaanxi Y-9 và máy bay vận tải chiến lược Xian Y-20, giúp tăng cường một phần khả năng vận chuyển của quân đoàn dù 15 trong tương lai.

Lính dù Trung Quốc tham gia một cuộc huấn luyện nhảy dù. Ảnh: Xinhua

Ngày 30/8, Trung Quốc ký thỏa thuận với Ukraine về việc chuyển giao giấy phép và bản thiết kế để sản xuất vận tải cơ lớn nhất thế giới An-225, loại máy bay vận tải duy nhất có sức chứa hơn 250 tấn.

Chuyên gia Lamrani cho rằng thỏa thuận với Kiev là minh chứng cho sự quan tâm của Bắc Kinh đối với công tác không vận chiến lược vốn có thể hỗ trợ các sứ mệnh triển khai lực lượng ở phạm vi toàn cầu trong tương lai.

"Việc Bắc Kinh tập trung vào các lực lượng không quân, đặc biệt là quân đoàn dù 15, cho thấy họ hiểu rằng những nhu cầu quân sự đang thay đổi của Trung Quốc đòi hỏi khả năng triển khai sức mạnh linh hoạt và cơ động hơn", Lamrami khẳng định. 

Tin cùng chuyên mục