Trong khoảng 10 năm gần đây, thâm hụt ngân sách nhà nước của Việt Nam thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Ảnh: Tường Lâm |
Nợ công đang ở mức cao
Theo GS. TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực.
Hệ quả của việc này, theo ông Trần Thọ Đạt, là Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi, khiến nợ công gia tăng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này cũng dẫn đến Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Trong tham luận tại Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” công bố tại Hội thảo, TS. Lê Mai Trang thuộc Trường Đại học Thương mại chỉ ra thêm rủi ro từ nợ công. Theo các báo cáo của Chính phủ, nợ công vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng đang tiệm cận giới hạn do tốc độ tăng nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, từ 2006 - 2010, tỷ lệ nợ công tăng thêm 15% GDP và từ năm 2011 - 2015 tăng thêm khoảng 7% GDP, bình quân mỗi năm tốc độ tăng nợ công khoảng 18,4%, cao gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
ThS. Nguyễn Thị Dung thuộc Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp thì cho rằng, mức trần nợ công mà Việt Nam quy định (65% GDP) so với các nước thực ra chưa phải là cao nhất, có nước lên 80 - 90%, thậm chí hơn 100%. Tuy nhiên, đồng nội tệ của Việt Nam lại không phải là đồng tiền dự trữ ngoại hối quốc tế nên việc duy trì tỷ lệ nợ công ở mức cao như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro với nền kinh tế về dài hạn.
Trong khi đó, theo TS. Lê Mai Trang, dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng, bao gồm những rủi ro tiềm ẩn từ các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng nếu hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương. Với nợ công đang ở mức cao, Việt Nam còn ít dư địa để có thể vận dụng chính sách tài khóa nhằm đối phó với biến động chu kỳ. “Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phải củng cố tình hình tài khóa và đẩy mạnh cải cách cơ cấu”, TS. Lê Mai Trang nhận định.
Tránh những giải pháp bóp méo thị trường
Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, chính sách tài khoá là một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng rất mạnh đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế và tác động trực tiếp đến phương châm hoạt động của hệ thống ngân sách cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá cả trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công...
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có tác động ngắn hạn nhưng có rủi ro tăng sự thiếu hụt tổng cung do chúng bóp méo thị trường các nhân tố sản xuất trong nước, nguồn lực sẽ được phân bổ một cách không hợp lý, và do vậy làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Điều này lại làm cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn hơn và việc tăng hoặc áp thuế/phí mới là một trong những biện pháp cuối cùng mà Chính phủ có thể sử dụng. Và gánh nặng thuế/phí cao sẽ làm giảm động cơ sản xuất, giảm tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, và đẩy tiếp nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn hơn.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần có giải pháp củng cố tính bền vững tài khóa và không gian tài khóa trong giai đoạn mới của nền kinh tế, như đảm bảo bền vững trong thu ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; vay nợ trong khả năng trả nợ, quản lý tốt nợ công…