Thắng, thua trong buổi điều trần của cựu giám đốc FBI

James Comey thể hiện được hình ảnh bình tĩnh chuyên nghiệp, làm dày thêm "đám mây" tranh cãi xung quanh Trump.

Cựu giám đốc FBI James Comey ngày 8/6 điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, nơi ông cung cấp thêm thông tin về mối quan hệ của mình với Tổng thống Mỹ Trump và cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

Dưới đây là những điểm thắng thua trong cuộc điều trần của Comey, theo cây bút Jonathan Easley của Hill.

Thắng

James Comey

Comey bước vào phiên điều trần ngày 8/6 với một làn sóng truyền thông tích cực hậu thuẫn cho mình. Trong khi phát biểu và trả lời các thượng nghị sĩ, Comey đã thể hiện được hình ảnh bình tĩnh chuyên nghiệp, thể hiện rằng động lực duy nhất thôi thúc ông trình bày là quan điểm của ông về điều gì là đúng, điều gì là sai.

Danh tiếng của Comey là "hiểu biết chính trị" cũng sẽ tăng sau khi cựu giám đốc FBI tiết lộ rằng ông đã ngầm thúc đẩy việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, bằng cách rò rỉ ghi chép của mình về cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Trump thông qua một trung gian với New York Times. 

Comey chắc chắn cũng sẽ hứng chịu một số phản đòn, vì chính ông từng chỉ trích việc rò rỉ tài liệu khi còn giữ chức giám đốc FBI.

Luật sư Marc Kasowitz của ông Trump đã chỉ trích Comey tại một cuộc họp báo sau buổi điều trần, lên án việc rò rỉ là không thích hợp và nhấn mạnh rằng ông Trump không bao giờ đòi hỏi lòng trung thành từ Comey.

Tuy nhiên, lời khen ngợi của cả hai đảng mà Comey giành được từ các thượng nghị sĩ trong ủy ban tình báo thượng viện sẽ càng khiến các nhà phê bình khó chỉ trích ông. Ngoài ra, uy tín của Comey như một người bảo vệ cho sự độc lập của FBI dường như không bị lung lay.

Cựu giám đốc FBI Robert Mueller

Trong phiên điều trần Comey đã ca ngợi sếp cũ của mình và củng cố độ tin cậy của cuộc điều tra đặc biệt do Mueller dẫn đầu về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

"Mueller là một trong những công chức tốt nhất đất nước này", Comey nói.

Ông Mueller vốn đã có nhiều uy tín trước phiên điều trần ngày hôm qua. Cuộc điều tra của Mueller sẽ là kết luận cuối cùng về vấn đề Nga.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio

Rubio và Trump từng tranh cãi kịch liệt trong chiến dịch tranh cử. Nhưng vào hôm 8/6, Rubio lại là người bảo vệ hiệu quả nhất của Trump.

Rubio đã dồn ép Comey về lý do tại sao việc tổng thống muốn được minh oan công khai lại là xấu. Ông lập luận rằng không có gì bất chính khi tổng thống yêu cầu lòng trung thành của nhân viên và chỉ trích FBI về vụ rò rỉ.

"Cuộc điều tra này đầy các vụ rò rỉ", Rubio nói. "Ý tôi là, chúng tôi đôi khi còn biết nhiều thứ từ các tờ báo hơn so với phiên điều trần mở của chúng tôi".

"Các bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao trong tất cả những thứ bị rò rỉ trong cuộc điều tra này, điều duy nhất không bị rò rỉ là thực tế rằng về mặt cá nhân, tổng thống không hề bị điều tra, mặc dù cả giới lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội đã biết điều đó từ lâu", ông nói.

Rubio bác bỏ việc ông đã bênh vực cho Trump, nhưng những người bảo thủ đã cổ vũ việc ông thách thức Comey.

Thua

Tổng thống Mỹ Trump

Hill nhận xét rằng ông Trump và đội ngũ có thể cảm thấy nhẹ nhõm về phiên điều trần của Comey vì không có "quả bom" nào mới được tiết lộ.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các quan chức chiến dịch của Trump đã câu kết với Nga và Comey cũng không nói rằng tổng thống Mỹ tìm cách cản trở công lý bằng cách yêu cầu ông phải bỏ cuộc điều tra với chính quyền của ông. Comey cũng cho biết Trump không bị điều tra trong quãng thời gian ông làm giám đốc FBI.

Tuy nhiên, đó không phải là một ngày tốt lành với ông Trump khi một cựu giám đốc FBI cáo buộc ông nói dối và "phỉ báng" ông cùng FBI. Nhìn chung, đó là một ngày tồi tệ trong chính trị cho ông Trump, Hill đánh giá.

Rắc rối xung quanh Comey và cuộc điều tra cáo buộc về Nga đã gây ảnh hưởng đến khả năng điều hành của Trump. Tín nhiệm tổng thống chạm đến mức thấp mới trong tuần này và chương trình nghị sự của ông đã bị đình trệ trong quốc hội. Cuộc điều trần xoay quanh Comey sẽ càng làm dày thêm "đám mây" tranh cãi bao phủ Trump.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions

Ngày 8/6 là cũng là một ngày tồi tệ với Sessions. Cựu giám đốc FBI đã gợi ý mơ hồ về "sự thật" ông không thể tiết lộ trong phiên trần mở về lý do tại sao Sessions phải không được tham gia vào cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga.

Điều này cho thấy rằng cho ông Sessions có thể bị "nắm thóp" trong vấn đề liên quan đến Nga, trong bối cảnh có một số thông tin trôi nổi chưa xác nhận rằng Sessions đã đề nghị từ chức.

Nhà Trắng trong nhiều ngày đã từ chối cho biết liệu Trump có niềm tin vào bộ trưởng tư pháp của mình hay không. Người phát ngôn của Trump, Sarah Sanders, cuối cùng vào ngày 8/6 đã bày tỏ tin tưởng vào Sessions trước khi Comey ra điều trần.

Cựu bộ trưởng tư pháp Loretta Lynch

Comey đã chỉ trích sếp cũ của mình, mô tả bà như một bộ trưởng tư pháp bị thúc đẩy bởi chính trị đã tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra email cá nhân của Hillary Clinton để bảo vệ chiến dịch tranh cử của bà.

Comey kể rằng Lynch đã gây sức ép để mô tả cuộc điều tra Clinton như một "vấn đề" chính trị chứ không phải là một cuộc điều tra hình sự.

Comey trực tiếp gắn áp lực từ phía Lynch với Clinton, nói rằng ông tin rằng Lynch thúc đẩy điều đó vì áp lực từ chiến dịch. "Điều đó gây cho tôi một cảm giác nôn nao", Comey nói.

Những người bảo thủ đang kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra về vấn đề này.

Truyền thông

Nhiều hãng truyền thông đã "vỗ vai" chúc mừng nhau rằng họ khai phá được nhiều thông tin sốt dẻo liên quan đến cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, Comey đã dội gáo nước lạnh và họ.

"Đã có rất nhiều bài báo về Nga sai sự thật", Comey nói.

Ông chỉ ra một bài báo trên New York Times có tên "phụ tá của Trump liên tục liên lạc với tình báo Nga", mô tả nó là "gần như sai hoàn toàn".

Comey nói rằng những bài báo không chính xác là điều rất bực bội với FBI vì chính sách của họ là không bình luận các thông tin trên truyền thông về cuộc điều tra của họ, ngay cả khi báo chí đưa tin sai.

Bình luận Comey có lợi cho chính quyền Trump, bên đã nhiều lần chỉ trích truyền thông là đưa "tin tức giả mạo" và đặt câu hỏi về độ tin cậy của các tin tức dựa trên nguồn tin giấu tên.

Tin cùng chuyên mục