Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết việc làm cho gần 110.000 người

0:00 / 0:00
0:00
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực dịch vụ chiếm 69%, khu vực công nghiệp chiếm 29%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,88% tổng cầu nhân lực.
Người lao động tìm hiểu công việc tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: TTXVN
Người lao động tìm hiểu công việc tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: TTXVN

Ngày 9/5, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 110.000 người (đạt trên 36% kế hoạch năm), tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực dịch vụ chiếm 69%, khu vực công nghiệp chiếm 29%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,88% tổng cầu nhân lực.

Một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao như công nghiệp chế biến chế tạo; ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy và xe có gắn động cơ khác; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ chiếm ; tài chính ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông...

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm trên 86% tổng nhu cầu (trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 20,7%, cao đẳng chiếm 19%, trung cấp chiếm 27,7%, sơ cấp chiếm 18%).

Nhóm lao động chưa qua đào tạo chiếm gần 14%, tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề: hóa chất-nhựa-cao su, dệt may-giày da, công nghệ lương thực-thực phẩm, kinh doanh-thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, kinh doanh quản lý tài sản-bất động sản, dịch vụ du lịch-lưu trú và ăn uống...

Đại diện Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết, hiện thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Các ngành chức năng đã tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp kịp thời giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn lực cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy có nhiều khởi sắc nhưng để thích ứng yêu cầu ngày càng cao đồng thời để giữ chân người lao động, doanh nghiệp cần công khai, minh bạch hơn về quy chế, lương thưởng; đảm bảo sản xuất an toàn, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, chăm lo sức khỏe cho người lao động. Ngược lại, người lao động cũng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp để có công việc ổn định và chế độ đãi ngộ tương xứng.