Thanh tra việc chấp hành pháp luật 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Chiều ngày 8/1, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra Dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Phối cảnh Dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai
Phối cảnh Dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai

Theo đó, thời kỳ thanh tra 2 dự án là từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2024; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời hạn thanh tra là 40 ngày làm việc (không kể Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, Tết) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn Thanh tra có 11 thành viên; trong đó, ông Ngô Đình Long - Phó Vụ trưởng Vụ III của Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Mục đích của cuộc thanh tra là đánh giá việc chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện 2 dự án; phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có); xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; phát hiện những bất cập, sơ hở của pháp luật; qua đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Trước đó, tại Công văn phản hồi ý kiến của cử tri tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế cho biết, 2 dự án được thực hiện theo Quyết định số 125/QĐ-TTG ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định đầu tư của Bộ Y tế phê duyệt năm 2014, mỗi dự án có quy mô đầu tư 1.000 giường bệnh với tổng mức đầu tư khoảng 4.990 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 4.500 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác). Các dự án được khởi công xây dựng từ năm 2015 với thời hạn hoàn thành là năm 2020. Tuy nhiên, từ tháng 12/2020 cho đến trước thời điểm tháng 11/2024, các dự án tạm dừng thi công, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phức tạp trong điều chỉnh giá hợp đồng.

Cụ thể, trong quá trình thi công, các dự án phải điều chỉnh thiết kế để bổ sung một số khoa phòng, thay đổi một số chức năng, kết cấu theo đề nghị của 2 bệnh viện cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn. Hợp đồng ký ban hành chưa quy định rõ về nguyên tắc, phương pháp và phạm vi điều chỉnh để điều chỉnh giá hợp đồng, nên khi điều chỉnh thiết kế thì không có đủ cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng. Các vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến chủ đầu tư không thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu.

Theo Bộ Y tế, đây là các dự án có quy mô lớn, lần đầu áp dụng hình thức EPC nên Bộ Y tế, chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường hết được hết các khó khăn, vướng mắc khi triển khai; năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa hiểu rõ tầm quan trọng của pháp luật hợp đồng và chưa có kinh nghiệm quản lý hợp đồng EPC.

Ngoài ra, việc chậm giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án, theo Bộ Y tế, một phần còn do từ năm 2019 đến năm 2022 xảy ra dịch bệnh Covid-19 nên toàn bộ lực lượng phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực tích cực chủ động tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, từ đầu tháng 11/2024, các nhà thầu đã bắt đầu triển khai thi công trở lại. Hiện phần xây dựng của Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã thực hiện được 85%, Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã thực hiện 97% khối lượng công việc.

Tin cùng chuyên mục