Tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Ảnh: Nam An
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Ảnh: Nam An

Xác định như vậy vì nghẽn thể chế gây ra sự trì trệ trong hầu hết các hoạt động phát triển, làm giảm hiệu quả của các nguồn lực, hạn chế tính linh hoạt trong xử lý công việc và kéo dài thời gian thực thi mọi chủ trương, chính sách. Do đó, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là bước đi thiết yếu để tháo gỡ các điểm nghẽn khác và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.

Thể chế nghẽn ở đâu?

Thể chế là hệ thống các thiết chế và các quy tắc, luật lệ điều chỉnh hoạt động của chúng trong một môi trường nhất định.

Như vậy, thể chế có ba cấu phần cơ bản: các thiết chế; các quy tắc, luật lệ (hay có thể gọi là hệ điều hành); môi trường vận hành (hay có thể gọi là môi trường thể chế).

Các thiết chế là các tổ chức hoặc thực thể như Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội… được thành lập để tạo nên cấu trúc thể chế và điều chỉnh các tương tác xã hội, kinh tế và chính trị trong một xã hội. Chúng cung cấp khuôn khổ cho quản trị và trật tự xã hội, thúc đẩy hợp tác, bảo đảm sự ổn định và theo đuổi các mục tiêu chung.

Các quy tắc, luật lệ chính là hệ điều hành của một thể chế. Các quy tắc, luật lệ được hình thành chủ yếu từ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các thiết chế hoạt động trong phạm vi các chuẩn mực được các quy tắc và luật lệ đề ra, nhưng chúng khác biệt với các quy tắc, luật lệ cụ thể điều chỉnh hoạt động của chúng.

Môi trường thể chế là tập hợp các yếu tố phi pháp lý, bao gồm văn hóa, truyền thống, hệ thống giá trị và tâm lý xã hội của một quốc gia hoặc cộng đồng, tác động và điều chỉnh cách thức vận hành của các thể chế. Đây là nền tảng tinh thần và xã hội mà trên đó, các quy tắc pháp lý được áp dụng và thực hiện, góp phần định hình hành vi, thái độ và sự hợp tác trong một thể chế.

Nghẽn thể chế là tình trạng hệ thống quản trị của một quốc gia bị cản trở do sự hạn chế hoặc bất cập của ba cấu phần chính: các thiết chế; các quy tắc, luật lệ; môi trường thể chế. Sự thiếu hiệu quả của một hoặc nhiều hơn các cấu phần này làm chậm trễ, tăng chi phí và giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đối với cấu phần thứ nhất, các thiết chế gây nghẽn thể chế là những cơ quan hoặc tổ chức có năng lực quản lý yếu kém, thiếu minh bạch, hoặc hoạt động không hiệu quả, dẫn đến sự trì trệ và kém hiệu quả của hệ thống. Những thiết chế này làm chậm quá trình ra quyết định, gia tăng chi phí vận hành và làm giảm niềm tin của công chúng vào bộ máy quản lý, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các thiết chế, năng lực hạn chế là nguyên nhân cơ bản gây ra nghẽn thể chế.

Đối với cấu phần thứ hai, những quy tắc, luật lệ gây nghẽn thể chế là các quy định phức tạp, lỗi thời, cứng nhắc hoặc thiếu minh bạch, cản trở sự vận hành hiệu quả của hệ thống quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tăng chi phí và giảm tính linh hoạt cho các tổ chức và cá nhân.

Đối với cấu phần thứ ba, môi trường gây nghẽn thể chế là tập hợp các yếu tố văn hóa, truyền thống, hệ thống giá trị và tâm lý xã hội cản trở cải cách và đổi mới. Khi môi trường này thiếu tính cởi mở, thiếu sự minh bạch và khuyến khích đổi mới sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nhận và thực thi các chính sách mới, làm chậm quá trình phát triển và hạn chế hiệu quả hoạt động của các thiết chế trong hệ thống.

Khơi thông dòng chảy phát triển

Tháo gỡ nghẽn thể chế đòi hỏi phải xử lý cả ba cấu phần của thể chế vì sự gắn kết chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau.

Đối với các thiết chế, đây là các cơ quan và tổ chức định hướng, quản lý, thực thi các quy định của chính sách, pháp luật. Nếu thiết chế vận hành yếu kém hoặc thiếu minh bạch, các quy định dù tốt đến đâu cũng không được áp dụng hiệu quả. Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của các thiết chế là nền tảng để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru và công bằng.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, Đảng cần nâng cao năng lực lãnh đạo bằng cách tăng cường khả năng định hướng chiến lược, giám sát và chỉ đạo thực thi cải cách, đồng thời xây dựng đội ngũ lãnh đạo có tư duy đổi mới, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của phát triển xã hội và kinh tế.

Các cơ quan nhà nước cần nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình theo hướng tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng quản lý và ứng dụng công nghệ cho cán bộ công chức để thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, yêu cầu các cơ quan báo cáo công khai và giải trình về kết quả hoạt động cũng như việc sử dụng ngân sách, tạo sự minh bạch và tăng cường niềm tin của công chúng; xây dựng các cơ chế hợp tác liên ngành và liên cơ quan để đảm bảo quy trình xử lý công việc được đồng bộ, tránh chồng chéo và cản trở; cải tiến quy trình nội bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng công nghệ số để tăng hiệu suất, giảm chi phí và tăng khả năng tương tác với người dân. Những giải pháp này sẽ giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, minh bạch và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển, từ đó tháo gỡ các điểm nghẽn trong hệ thống thể chế.

Các quy tắc, luật lệ, quy định pháp luật là cơ sở hướng dẫn hoạt động của các thiết chế và điều chỉnh hành vi trong xã hội. Những quy định phức tạp, lỗi thời hay chồng chéo làm gia tăng chi phí tuân thủ và gây cản trở sự phát triển. Để giảm nghẽn thể chế, cần đơn giản hóa, cập nhật và làm rõ các quy tắc, luật lệ, tạo điều kiện cho sự linh hoạt và thích ứng. Cụ thể, cần loại bỏ những thủ tục rườm rà, sửa đổi lại luật lệ để phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển; xây dựng các quy định rõ ràng, dễ hiểu và áp dụng nhất quán, giảm thiểu khả năng bị diễn giải sai; cho phép điều chỉnh linh hoạt trong một số trường hợp đặc thù để đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu mới; xây dựng cơ chế giám sát và thu nhận ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh quy định khi cần thiết. Các giải pháp này giúp hệ thống quy tắc, luật lệ trở nên dễ tiếp cận, hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với môi trường thể chế, trái ngược với môi trường thiếu cởi mở, thiếu minh bạch và bảo thủ cản trở áp dụng những thay đổi tích cực, gây nên tâm lý ngại thay đổi và trì trệ, việc xây dựng một môi trường thể chế ủng hộ cải cách là cần thiết để tạo sự đồng thuận và thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, khuyến khích tư duy cởi mở, sẵn sàng thay đổi và sáng tạo trong toàn xã hội, đặc biệt ở các cơ quan công quyền; thúc đẩy văn hóa công khai, minh bạch trong quản lý, khuyến khích trách nhiệm giải trình và chống tiêu cực; khuyến khích các giá trị hỗ trợ đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng của tổ chức và cá nhân trước thay đổi. Các giải pháp này tạo nền tảng văn hóa, xã hội thuận lợi cho cải cách và phát triển bền vững.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cũng cần phải có thời gian. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm xác định thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" mở ra kỳ vọng về những cải cách sâu rộng nhằm tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy đất nước ta phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.