Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Từ đi đầu khởi nghiệp của TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đã diễn ra mạnh mẽ và sôi động. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ diễn ra ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bất động sản, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn…
TP.HCM xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các DN. Khởi nghiệp là một trong những đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ đầy sáng tạo lập nghiệp, làm giàu cho chính mình và đóng góp cho sự thịnh vượng của Thành phố. Bên cạnh đó, khởi nghiệp là “mồi lửa” châm ngòi sáng tạo. Việc thôi thúc “ngọn lửa” khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Thành phố.
Đến nay, thông qua chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, TP.HCM đã tạo lập được môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, ổn định và hiệu quả với 274.000 DN đăng ký hoạt động, chiếm 31,7% DN cả nước. Riêng trong năm 2015, khu vực DN trong nước đóng góp 59,9% GDP và 12,5% thu ngân sách cho Thành phố. Khu vực DN ngoài Nhà nước đóng góp 24,5% GDP và 15,7 thu ngân sách cho Thành phố.
Bên cạnh các kết quả đạt được, đa số DN trên địa bàn TP.HCM có quy mô nhỏ và vừa, lượng vốn hạn hẹp, các mô hình khởi nghiệp chỉ tập trung ở một số lĩnh vực dễ gia nhập thị trường. Đồng thời, hoạt động khởi nghiệp giàu tính đam mê nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản, cần thiết cho khởi nghiệp, trong đó có kỹ năng quảng bá sản phẩm đến với người dùng, quản trị DN, quản trị tài chính, dự báo rủi ro… nhất là khó khăn tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho khởi nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP.HCM sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp. Bố trí gói tín dụng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, ưu tiên các doanh nhân trẻ, khuyến khích hình thành các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp”. Ngoài ra, Thành phố sẽ triển khai đồng độ, liên tục nhiều giải pháp, trong đó chú trọng hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp thường xuyên, tổ chức tuyên truyền tư vấn, đào tạo, định hướng, học sinh, sinh viên, khơi dậy ý định khởi nghiệp và kiến tạo các năng lực khởi nghiệp.
Đến “Đồng khởi khởi nghiệp” tại Bến Tre
Hiện nay, Bến Tre đã hình thành các tổ chức như Hội đồng tư vấn khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DN, quỹ đầu tư khởi nghiệp. “Bến Tre phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm, ít nhất có 500 DN khởi nghiệp ra đời và hoạt động. Để đưa Bến Tre thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, phấn đấu nâng mức sống của người dân ngang bằng mức bình quân của khu vực. chúng tôi chỉ có con đường khả thi nhất là hình thành hệ thống DN lớn, hoạt động có hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao. Và để đạt mục tiêu này, mọi thứ phải được bắt đầu từ khởi nghiệp của đội ngũ doanh nhân trẻ”, ông Trọng nhấn mạnh.
Ông Trọng cho biết, Bến Tre đang hướng tới mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, lao động của mọi tầng lớp nhân dân. Chính quyền sẽ nỗ lực để tạo niềm tin, khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm của tầng lớp doanh nhân trẻ trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập.
Lãnh đạo chính quyền TP.HCM và Bến Tre đều cho rằng, con đường khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là hết sức khốc liệt, nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu không dấn thân, mạnh dạn, dám đối mặt với thách thức thì không thể khởi nghiệp thành công. “Chính quyền cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khởi sự lập nghiệp thành công bằng những chính sách ưu đãi cụ thể, luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị, để cùng hướng tới khởi nghiệp quốc gia thành công”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết.