Thấy bánh chưng là thấy Tết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhắc đến Tết là nhớ đến câu: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Trong xã hội hiện đại, nhiều phong tục đã bị mai một, nhưng có một truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ, đó là gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Một trong những biểu tượng không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về là “bánh chưng xanh”.
Thấy bánh chưng là thấy Tết

“Phần hồn” của chiếc bánh chưng xanh

Phong tục gói bánh chưng đã tồn tại ở nước ta từ thời đại Vua Hùng và là một trong những giá trị truyền thống trường tồn với lịch sử dân tộc. Trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân, phong tục gói bánh chưng dâng lên Tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền vẫn không hề mai một. Muốn có chiếc bánh chưng ngon thì không thể thiếu một loại nguyên liệu đặc biệt: lá dong.

Cây dong là loài mọc tự nhiên, có ưu điểm là sạch sâu bệnh, không có cỏ dại mọc xung quanh. Lá dong có đặc tính xanh, dày, dẻo, khi dùng để gói bánh không bị gãy, rách và dễ gói. Sở dĩ người ta dùng lá dong để gói bánh chưng bởi qua hơn 10 tiếng nấu bánh, lá vẫn giữ nguyên màu xanh và tạo màu xanh tươi tắn cho bánh. Hương thơm của lá dong hòa quyện vào bánh tạo nên vị đặc trưng, khiến người ăn cảm thấy ngon miệng hơn và mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Các phân tích khoa học cho thấy, lá dong cũng là một loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giúp cầm máu vết thương, giải độc rượu…

Ở nước ta, cây dong có ở nhiều địa phương, khắp từ Bắc vào Nam, trong đó nhiều nhất là ở Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Kiên Giang.

Trước kia khi rừng còn nhiều, lá dong rất dồi dào nên việc đi rừng lấy lá khá dễ. Tuy nhiên, giờ đây, diện tích rừng già bị thu hẹp, lá dong mọc tự nhiên còn ít và việc lấy lá dong rừng trở nên khó khăn, vất vả hơn. Để chủ động trong nguồn cung, nhiều địa phương đã đưa cây dong về trồng gần nhà. Chỉ sau một năm, cây có thể cho thu hoạch. Đặc biệt, chỉ cần trồng một lần, cây cho thu hoạch lá nhiều năm. Chính vì vậy, hiện giờ, trên khắp cả nước đã hình thành những làng nghề trồng lá dong phục vụ gói bánh chưng hàng ngày cũng như dịp Tết Nguyên đán.

Ở miền Bắc, vùng trồng lá dong nổi tiếng nhất là làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội); làng Hữu Ái (xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, Bắc Ninh).

Ở miền Trung, nằm cách trung tâm thị trấn Đức Thọ hơn 10 km về phía Bắc là làng Vĩnh Phúc (xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), lâu nay được nhiều người dân ở Hà Tĩnh, Nghệ An… biết đến là vựa lá dong gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán.

Ở phía Nam, cây dong được trồng nhiều trong các vườn ở huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) và xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Đó là những địa chỉ cung cấp lá dong chủ yếu cho thị trường.

Những ngày cuối năm âm lịch, nếu có dịp đến thăm làng lá dong Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) - nơi được mệnh danh là vựa lá dong lớn nhất, nhì miền Bắc - sẽ bắt gặp hình ảnh người dân tấp nập thu hoạch lá dong, cung ứng cho các gia đình để làm bánh chưng đón Tết. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu “Lá dong Tràng Cát” là ở chỗ địa phương này nằm ở vị trí đắc địa: một vùng bãi bồi bằng phẳng, ba bề bao quanh bởi sông Đáy, kéo dài từ bờ sông đến rìa làng - nơi có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm khí hậu ôn hòa, nên lá dong cứ được đà sinh sôi nảy nở. Tương truyền, nghề trồng lá dong để gói bánh chưng Tết ở Tràng Cát đã có từ hơn 600 năm trước. Chưa ở đâu sắc xanh của lá dong lại trở thành biểu tượng thiêng liêng của đời sống cộng đồng như ở nơi đây!

Khác với các loại lá dong rừng và vùng khác, lá dong Tràng Cát to, rộng và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá, dùng gói bánh chưng sẽ cho màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có mùi vị hấp dẫn sau khi luộc chín. Khi Tết Nguyên đán cận kề, được theo chân người Tràng Cát thu hoạch từng khóm lá và hít hà mùi hương ngan ngát của nhựa dong… ta mới cảm nhận hết được sự tinh túy của thiên nhiên, làm nên “phần hồn” của những chiếc bánh chưng ngày Tết.

Xưa kia, lá dong Tràng Cát được tuyển chọn để gói bánh chưng tiến vua. Ngày nay, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, lá dong nơi đây còn được xuất khẩu để phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết

Về mặt khoa học, bánh chưng Tết là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vi chất và vitamin, giúp cơ thể chống chọi với cái lạnh mùa Đông ngày Tết. Đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc, giảm các hiện tượng sưng tấy, làm bánh chưng có vị thanh và cân bằng với độ béo của thịt cùng đồ nếp. Gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn, đồng thời là loại thực phẩm rất tốt cho gan. Tuy nhiên, bánh chưng không chỉ có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng mà nói đến bánh chưng là nói đến nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt từ bao đời.

Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất, thể hiện hình tượng của đất mẹ bao la, đức hạnh của mẹ, mà tiêu biểu là Mẹ Âu Cơ. Bánh chưng được làm từ gạo nếp trắng ngần với phần nhân có đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu… Tất cả được gói trong lớp lá dong xanh mướt, nhẹ nhàng ấp ủ như lòng mẹ luôn bao bọc và chở che cho các con khỏi giông bão cuộc đời. Rồi mỗi chiếc bánh lại được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.

Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn Trời Đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Trong ký ức của lớp người bây giờ đã vào “tuổi cổ lai hy”, năm nào cũng vậy, cứ đến độ trước Tết vài ngày, nhà nhà đều chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đón Giao thừa, đón Tết. Vui nhất là lúc ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau, mỗi người một tay cùng lau lá dong, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Nhưng có lẽ ấn tượng và hồi hộp nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín. Để tạo nên những chiếc bánh chưng ngon, bánh phải được nấu trên bếp củi, với việc điều tiết lượng nước khéo léo trong thời gian 9-10 tiếng liên tục. Điều thú vị là, những năm gần đây, trên nhiều con phố Thủ đô Hà Nội xuất hiện các bếp nấu bánh chưng trong những ngày giáp Tết. Bà con khu phố quây quần trò chuyện bên bếp lửa ấm mùi quê…

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết là một trong những nét đẹp lâu đời của người Việt, gợi nhớ về cội nguồn của dân tộc. Dù trải qua nhiều biến động về thời gian, phong tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn còn được lưu giữ mãi, trở thành một nét văn hóa, truyền thống lâu đời của người Việt. Nét độc đáo này góp phần tô đẹp thêm hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.