Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ là giải pháp phát triển công nghiệp bền vững. Ảnh: Tiên Giang |
Mục tiêu buổi Tọa đàm nhằm làm rõ những yêu cầu đặt ra trong xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với bối cảnh mới.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) đã đánh giá lại quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua, trong đó đánh giá khách quan những mặt được và chưa được trong quá trình đổi mới đất nước. Theo đó, quá trình đổi mới “chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được…”.
Mặc dù vậy, Đảng vẫn kiên trì đưa ra mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để đạt được mục tiêu này, theo Ban Kinh tế Trung ương, cần phải thay đổi cách thức để trở thành nước công nghiệp, đó là “tiếp tục đẩy mạnh quá trình này theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo”.
Liên quan đến các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp, TS. Dương Đình Giám thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, các giải pháp đột phá cần tập trung vào các khâu yếu nhất của phát triển công nghiệp là thể chế, doanh nghiệp, nguồn nhân lực và công nghệ.