Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào các chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: Quang Tuấn |
Đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 với chủ đề: “Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu”.
Thách thức nâng cao giá trị
Những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Vị thế sản phẩm, nguồn cung từ Việt Nam đang dần được khẳng định trên thị trường thế giới.
Chia sẻ về những thành công bước đầu sau hơn chục năm mò mẫm xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Ecolink cho biết, đến nay, DN đã mang được khoảng 30 sản phẩm chè hữu cơ ra thị trường quốc tế. Theo ông Đức, để có được thành tựu này, DN đã phải vượt qua không ít khó khăn. Cũng là một trong những DN xuất khẩu thành công trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đại diện Công ty CP Ngọc Động chia sẻ, muốn xuất khẩu thành công, các DN phải chuẩn hóa sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế…
Tuy nhiên, những DN thành công trong xuất khẩu như Ecolink, Ngọc Động… chưa nhiều. Trên thực tế, giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu vẫn còn hạn chế, hiện tượng các DN ngồi chờ Nhà nước kết nối xuất khẩu vẫn còn; vai trò của các đơn vị trong xúc tiến xuất khẩu chưa thực sự được phát huy. Các DN vẫn gặp nhiều thách thức với các vấn đề môi trường, sinh thái, pháp lý, nhất là hàng rào thuế quan…
Ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án Kết nối các DNNVV của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ chỉ ra, tại Việt Nam, các DNNVV chiếm tới 98% tổng số DN cả nước, nhưng chỉ có 21% trong số họ tham gia các chuỗi cung ứng cho DN FDI. “DN FDI là người dẫn dắt chuỗi giá trị. Hầu hết các DN FDI hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài và lợi nhuận thu về túi họ nên phần giá trị gia tăng gần như không có ý nghĩa với DN Việt Nam”, ông Ron Ashkin nói.
Chủ động bắt đầu từ doanh nghiệp
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần chủ động đổi mới nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng cần có định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng, sản phẩm sẵn sàng tham gia thị trường; chỉ đạo các hiệp hội ngành hàng xây dựng đề án xúc tiến thương mại phù hợp với định hướng phát triển của ngành. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị xây dựng các hoạt động xúc tiến gắn kết thương mại, đầu tư và du lịch nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Nhưng quan trọng hơn, theo ông Phú, sự chủ động này phải bắt nguồn chính từ các DN với việc tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với đó, phải tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, phân tích, khai thác thông tin thương mại...
Bên lề Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nêu hiện tượng, khi một FTA có hiệu lực, hàng ngoại vào Việt Nam tăng rất nhanh, ngược lại, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước luôn chậm. Thực trạng này bắt nguồn từ việc cả DN và cơ quan nhà nước đều không hiểu rõ chính sách, thị trường, đối tác. “Bởi vậy, muốn xuất khẩu được, cả hai phía phải năng động hơn, sát sao hơn”, ông Nam nói.
Theo đại diện Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi như hiện nay thì việc chủ động trong xúc tiến thương mại là rất cần thiết. Xúc tiến xuất khẩu không chỉ là câu chuyện đi tìm khách hàng mà cần tiếp cận theo toàn chuỗi giá trị.
Về thực trạng kết nối DN trong nước và DN FDI còn lỏng lẻo, chưa tạo nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, ông Ron Ashkin cho rằng, các DN trong nước phải chủ động kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu hàng hóa, lúc đó mới tạo ra hiệu ứng thực sự trên cơ sở tận dụng các thế mạnh của nhau. “Các DN FDI là người truyền đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thị trường quốc tế yêu cầu, căn cứ theo đó các DN trong nước sản xuất cung ứng để thu lợi”, ông Ron Ashkin gợi ý.