Thay đổi về chất trong đấu giá tài sản

(BĐT) - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản là công việc được ngành tư pháp ưu tiên. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chuẩn hóa trình tự đấu giá tài sản góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đấu giá là một trong những nội dung được kỳ vọng lớn nhất khi Luật đi vào cuộc sống. 

Thất thoát tài sản qua đấu giá, truy cứu trách nhiệm tổ chức, cá nhân

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, khắc phục hạn chế của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá như việc phê duyệt tài sản đưa ra đấu giá, việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá được thực hiện trước khi ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá; việc chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá thành công.

Luật Đấu giá tài sản quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước.

Các hình thức bỏ phiếu đấu giá cũng được quy định rõ ràng hơn. Theo đó, Luật quy định rõ ràng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá. Đáng chú ý, phương thức đặt giá xuống cũng được bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế.

Vai trò của chủ tài sản trong quá trình đấu giá cũng được đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, Luật quy định trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá; người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành công, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá. 

5 trường hợp hủy kết quả đấu giá

Một nội dung rất quan trọng trong trình tự đấu giá tài sản là quy định niêm yết các thông tin một cách công khai, minh bạch tới các đối tượng có nhu cầu mua tài sản đấu giá. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của việc niêm yết, đối với bất động sản, Luật đã bỏ quy định về việc niêm yết tại nơi có bất động sản đấu giá. Theo đó, việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá.

Luật cũng quy định rõ 5 trường hợp hủy kết quả đấu giá. Một là, tổ chức không có chức năng hoạt động đấu giá tài sản mà tiến hành cuộc đấu giá hoặc cá nhân không phải là đấu giá viên mà điều hành cuộc đấu giá. Hai là, người không đủ điều kiện tham gia đấu giá mà vẫn tham gia đấu giá và mua được tài sản đấu giá. Ba là, tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định việc bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá… Bốn là, có hành vi thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá và kết quả đấu giá. Năm là, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá không đúng quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá theo quy chế cuộc đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá.

Bình luận về trình tự đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho rằng, cùng với nhiều quy định khác trong Luật, những quy định về trình tự đấu giá sẽ hạn chế tiêu cực, mang lại hiệu quả cao nhất cho chủ tài sản. Điều ông Hùng băn khoăn là các chủ tài sản thường có xu hướng lựa chọn đơn vị đấu giá có lợi cho mình. Đấu thầu lựa chọn được đơn vị đấu giá có yếu tố tích cực là tạo ra sự cạnh tranh, tuy nhiên có hạn chế là có thể tạo thêm thủ tục hành chính. Do đó, các văn bản hướng dẫn dưới Luật có thể quy định những trường hợp cụ thể trường hợp nào chỉ định, trường hợp nào tổ chức lựa chọn qua đấu thầu rộng rãi.

Ông Hùng cũng đề cập đến việc xây dựng định mức tín nhiệm cho các tổ chức đấu giá. Trên cơ sở đó, chủ tài sản có thể lựa chọn để bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, tổ chức nào đứng ra bảo đảm tính khách quan và có độ tin cậy vẫn là câu hỏi ngỏ. Một đơn vị có thể làm được việc này là tổ chức hội nghề nghiệp, tuy nhiên Hiệp hội Tổ chức đấu giá hiện nay chưa thành lập cho dù đã manh nha ý tưởng từ nhiều năm nay.

Tin cùng chuyên mục