Doanh nghiệp cần thay đổi văn hóa kinh doanh, phải có nhu cầu thay đổi tự thân để cạnh tranh, phát triển. Ảnh: Tiên Giang |
Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam vừa qua, ông đã có nhận định khác với đánh giá của rất nhiều người khi cho rằng nền tảng cho ĐMST của Việt Nam không phải yếu, mà tương đối tốt so với các nước có cùng mức thu nhập. Cơ sở nào đưa ra nhận định đó thưa ông?
Nền tảng hay đầu vào cho ĐMST của Việt Nam không phải thấp như nhiều ý kiến quan ngại. Nếu xét về nguồn lực, tài năng của Việt Nam rất nhiều, hàng trăm nghìn du học sinh, rất nhiều người Việt đang làm việc ở những công ty hàng đầu thế giới.
Cụ thể, nhìn về phía cung, các chỉ tiêu cơ bản về nền tảng giáo dục, nền tảng khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng ĐMST của Việt Nam đều khá tích cực.
Số liệu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, số năm đến trường bình quân, số năm đến trường kỳ vọng trong tương lai của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của thế giới. Còn theo thống kê của UNESCO, số du học sinh của Việt Nam rất đông, đứng thứ 9 trong số 100 quốc gia được thống kê.
Có nhiều người nói về câu chuyện tị nạn giáo dục nhưng tôi nhìn ngược lại. Việc cả trăm nghìn học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập là tín hiệu rất tốt cho đất nước. Bởi nếu nhìn vào các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…, số du học sinh của họ rất lớn. Nếu học theo xu hướng của Hàn Quốc, Việt Nam sẽ có nửa triệu du học sinh chứ không phải chỉ gần 100 nghìn người như hiện nay.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số vốn con người của Việt Nam hiện ở mức cao trong khu vực, xếp ngang với Trung Quốc. Chỉ số ĐMST cũng ở mức khá cao. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số này, sau Ukraine.
Khoảng từ năm 2011 trở về trước, từng có một thời gian dài doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng ĐMST vì quá mê mải với chuyện đầu tư vào khu vực tài sản.
Từ năm 2011, đặc biệt từ nhiệm kỳ 2016 đến nay, mục tiêu của Chính phủ tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo ra thay đổi đáng kể, doanh nghiệp đã bắt đầu tập trung đầu tư dài hạn. Trật tự thương mại mới, bối cảnh toàn cầu dẫn đến áp lực ĐMST mạnh mẽ hơn. Về thể chế, Chính phủ đã có những chính sách khá tập trung, trọng tâm về vấn đề này.
Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về năng lực ĐMST nhưng khoảng cách với thế giới còn rất lớn. Nút thắt, theo tôi, đến nhiều hơn từ phía cầu của doanh nghiệp và thể chế phi chính thức.
Thể chế phi chính thức hay những văn hóa kinh doanh bất thành văn, tư duy đầu tư ngắn hạn, “đánh quả” ăn sâu khiến doanh nghiệp không tập trung đầu tư công nghệ. Đặc biệt là cách nhìn của xã hội về giàu không hẳn là giỏi mà là gian, khi thấy một người giàu thì hay cho rằng có cái gì đó không minh bạch; tất cả đều muốn trở nên giàu có, thịnh vượng, nhưng lại căm ghét, đố kỵ chính tương lai mà chúng ta muốn hướng tới. Những thứ vô hình đó có sức mạnh ghê gớm, cực kỳ dai dẳng, cực kỳ khó thay đổi và không khuyến khích cạnh tranh.
Theo ông, giải pháp nào có thể giúp tháo gỡ nút thắt đang trói buộc tư duy và hành động ĐMST của doanh nghiệp?
Về phía cung, cần tiếp tục cải cách toàn diện nền giáo dục. Tuy đã khá tích cực nhưng có điều đáng lưu ý là số người đến tuổi đi học đại học của Việt Nam lại dưới mức trung bình của thế giới. Việt Nam muốn phát triển thì số đi học đại học phải cao hơn nữa. Nếu chúng ta muốn được như Hàn Quốc thì hầu như tất cả học sinh đến tuổi đều nên đi học đại học.
Về phía cầu, chính doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa kinh doanh, phải có nhu cầu thay đổi tự thân để cạnh tranh, phát triển.
Về thể chế, cần thay đổi cơ chế “khuyến khích ngược” hiện nay. Người làm tốt nhưng chỉ một rủi ro sai có thể bị phạt, người làm không tốt hoặc không nỗ lực gì nhiều khi lại được lợi. Cơ chế phải làm sao khuyến khích người giỏi nhất, người làm tốt nhất phải được thưởng xứng đáng nhất, từ đó mới kích thích cạnh tranh thực sự, tạo áp lực ĐMST, tạo hứng khởi làm ăn kinh doanh.
Vì thế, cần phải có khát vọng của số đông vươn lên để có một Việt Nam giàu có, phê phán trên tinh thần xây dựng, cạnh tranh để vươn lên và vẫn bảo vệ nhau vì mục tiêu chung. Tạo cuộc cạnh tranh đi lên thay vì dìm nhau xuống. Cơ chế khuyến khích như cách nói của một triết gia là cây sáo tốt nhất nên dành cho người thổi sáo hay nhất. Khi đó, Việt Nam mới có thể bước lên nấc thang mới của ĐMST, trở thành nơi nuôi dưỡng, thu hút và khuyến khích tài năng.
Ngoài ra, phải chú trọng bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ. Đã có không ít trường hợp 1 thương hiệu tốt, 1 doanh nghiệp làm ăn được thì ngay lập tức bị copy hàng loạt. Đây là vấn đề rất quan trọng mà nếu không làm tốt sẽ triệt tiêu nỗ lực ĐMST.