Thế giới lúng túng khi Trung Quốc dừng nhập rác

Trong suốt nhiều thập niên, Trung Quốc là nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới...
Kho phế liệu trong một nhà máy tái chế nhựa ở Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.
Kho phế liệu trong một nhà máy tái chế nhựa ở Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.

Trong suốt nhiều thập niên, Trung Quốc là nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới - một địa vị mà nhiều quốc gia khác xem như chuyện "đương nhiên". Bởi vậy, khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố dừng nhập 24 loại phế liệu bắt đầu từ năm 2018, nhiều nước đã rơi vào thế bí.

Hãng tin CNBC dẫn lời giới chuyên gia cho biết, hơn 3 tháng sau khi lệnh cấm của Trung Quốc được thực thi, các quốc gia xuất khẩu phế liệu vẫn đang loay hoay tìm thị trường thay thế.

Nhiều ý tưởng khác nhau đã được đưa ra: Liên minh châu Âu (EU) nói đang cân nhắc đánh thuế sử dụng nhựa, Anh muốn chuyển xuất khẩu rác sang Đông Nam Á, còn Mỹ thì đề nghị Trung Quốc dỡ lệnh cấm. Nhưng tất cả đều không phải là giải pháp dài hạn cho một trật tự mới toàn cầu về quản lý rác.

Trước đây, Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đều xuất khẩu phần lớn phế liệu sang Trung Quốc.

Bởi vậy, đối với 4 nền kinh tế này, "lệnh cấm của Trung Quốc đối với nhập khẩu phế liệu đồng nghĩa mất đi một kênh đổ rác quan trọn, dẫn tới những vấn đề mà họ không lường trước được", chuyên gia về Trung Quốc Neil Wang thuộc công ty tư vấn Frost and Sullivan nhận định.

"Họ không thể đi đến được những giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn. Các nước xuất khẩu phế liệu lớn đang chật vật tìm cách khắc phục tình thế", ông Wang nói.

Trước khi có lệnh cấm, Trung Quốc là nơi tiêu thụ hơn một nửa phế liệu của thế giới. Theo tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), vào lúc đỉnh cao, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm.

Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu phế liệu vào thập niên 1980 để phục vụ cho ngành sản xuất tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Theo đó, một ngành công nghiệp tái chế rác thải quy mô lớn đã hình thành, nhưng việc xử lý không phù hợp và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả góp phần đã dẫn tới ô nhiễm nghiêm trọng.

Giờ đây, khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực làm sạch bầu không khí, nguồn nước và đất. Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đóng cửa hàng chục nghìn nhà máy có mức độ gây ô nhiễm cao, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh, và trở thành một quốc gia đi đầu về đầu tư vào phát triển xanh.

Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Theo một nghiên cứu do Đại học Chicago của Mỹ công bố vào tháng 3, mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vẫn vượt quá tiêu chuẩn toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập.

Tuy nhiên, việc cấp nhập 24 loại phế liệu, được Chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 7 năm ngoái và thực thi từ tháng 1 năm nay, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà bảo vệ môi trường. Các nhà hoạt động nói lệnh cấm này sẽ không chỉ giúp làm sạch môi trường của Trung Quốc, mà còn buộc các quốc gia khác phải quản lý tốt hơn rác thải của chính mình.

Mỹ - quốc gia xuất khẩu 5,6 tỷ USD phế liệu sang Trung Quốc trong năm 2016 - vào tháng trước đề nghị Bắc Kinh "dừng ngay lập tức" lệnh cấm. Mỹ cho rằng cách làm của Bắc Kinh có thể gây hiệu ứng ngược, bởi nhiều loại phế liệu lẽ ra được đem tái chế sẽ bị đem ra bãi chôn lấp rác.

Trung Quốc nói rằng họ hiểu mối quan ngại của Mỹ và sẽ có sự điều chỉnh về danh mục phế liệu bị cấm nhập khẩu, nhưng không có ý định rút lại lệnh cấm - tờ báo Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu cho hay.

Số liệu Hải quan cho thấy, trong quý 1/2018, nhập khẩu phế liệ rắn, gồm nhựa, giấy và kim loại của Trung Quốc giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng kỳ, một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cho biết nhập khẩu phế liệu tăng mạnh - một dấu hiệu cho thấy dòng phế liệu đã chuyển hướng đi. Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng các nước này có thể lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại.

Theo ông Lawrence Loh, giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore, các nước Đông Nam Á vốn đã đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng, nên "họ sẽ không muốn làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn bằng cách nhập khẩu rác".

"Trong dài hạn, vấn đề sẽ phải được giải quyết tại nguồn. Bắc Mỹ và Tây Âu cần có những những nỗ lực rõ ràng và thực sự để giảm lượng rác thải", ông Loh nói thêm. "Thay vì tìm một nơi tiếp theo để xuất khẩu rác, các nước phát triển cần chịu trách nhiệm cắt giảm rác thông qua những biện pháp bền vững".

Tin cùng chuyên mục