Thế khó của ngân hàng 'rủi ro nhất thế giới'

Deutsche Bank bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi là "ngân hàng rủi ro nhất thế giới" tháng trước, ngay khi một chi nhánh của họ tại Mỹ không vượt qua bài stress-test của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Deutsche Bank hiện là nhà băng lớn nhất Đức. Ảnh: Reuters
Deutsche Bank hiện là nhà băng lớn nhất Đức. Ảnh: Reuters

Cổ phiếu Deutsche Bank đã mất giá 45% năm nay. Báo cáo tài chính quý II vừa công bố cũng cho thấy lợi nhuận giảm tới 98%. Sau thông tin này, cổ phiếu của hãng đã giảm 2,5% trên sàn Frankfurt.

Deutsche Bank cho rằng đó là do chi phí tái cấu trúc và hoạt động yếu kém trong mảng giao dịch cũng như ngân hàng đầu tư. Đây không chỉ là nhà băng lớn nhất nước Đức, mà còn là ngân hàng tầm cỡ thế giới. Trong một báo cáo tháng trước, IMF nhận xét "Deutsche Bank dường như là cái tên đóng góp nhiều nhất vào rủi ro hệ thống của các ngân hàng toàn cầu", theo sau là HSBC và Credit Suisse.

Deutsche Bank hoạt động khá nhiều tại London. Và việc người dân Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) tháng trước đã khiến cổ đông hãng này càng lo ngại. Cổ phiếu của họ đã giảm 18% sau sự kiện Brexit.

Nhà băng này đang tìm cách tăng vốn để chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện tiêu cực trong tương lai. John Cryan - người nhậm chức CEO một năm trước, đã bắt đầu bán các tài sản rủi ro và ngừng trả cổ tức.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề của Deutsche Bank là họ không có bộ phận ngân hàng bán lẻ hay quản lý tài sản lớn để bù đắp cho lợi nhuận yếu trong mảng ngân hàng đầu tư. Các quy định khắt khe được áp dụng từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp mảng kinh doanh cốt lõi của họ an toàn hơn. Nhưng lợi nhuận cũng vì thế mà giảm sút. Và theo một số chuyên gia, nó cũng vẫn chứa đựng quá nhiều rủi ro.

"Vấn đề lớn nhất là Deutsche Bank dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều", các nhà phân tích tại Berenberg bank nhận xét. Họ cho rằng ngân hàng này có 2 lựa chọn - giảm tài sản hoặc tăng vốn.

Nhưng cả hai đều khó. Điều kiện thị trường không cho phép họ bán tài sản. Trong khi đó, huy động thêm vốn từ nhà đầu tư cũng không khả thi do triển vọng lợi nhuận Deutsche Bank đưa ra không hấp dẫn.

Vì thế, họ buộc phải giảm quy mô. Nhà băng này đã lên kế hoạch giảm 35.000 nhân lực cho đến năm 2020. Hôm qua, ông Cryan cũng cho biết có thể còn sa thải nhiều hơn nếu "điều kiện kinh tế tiếp tục yếu kém".

Deutsche Bank cũng đang nói chuyện với Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp một vụ điều tra về mảng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Việc này có thể khiến họ mất thêm nhiều nữa. Vì trong các vụ án tương tự, các nhà băng khác đã bị phạt hàng tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục