Thế tiến thoái lưỡng nan của lãnh đạo Catalonia đòi độc lập

Sự quay lưng của EU và làn sóng tháo chạy của giới doanh nghiệp đẩy lãnh đạo Catalonia vào thế bơ vơ trong nỗ lực ly khai.
Người dân Catalonia vẫy cờ đòi độc lập. Ảnh:Reuters.
Người dân Catalonia vẫy cờ đòi độc lập. Ảnh:Reuters.

Ngay trước khi bước lên bục để thực hiện bài diễn văn lớn nhất của đời mình, Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont bị vây quanh bởi những người ủng hộ phương án ly khai cho khu vực, theo Hill.

Puigdemont tới nghị viện Catalonia ở thành phố Barcelona vào tối 10/10 nhằm tìm ra lối thoát giữa hai luồng sức ép cực lớn, một bên là quyết tâm và sức mạnh của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, bên kia là đòi hỏi độc lập của những người ủng hộ. 10 ngày trước, chính ông Puigdemont đã tuyên bố chiến thắng trong một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Catalonia và giờ đây ông phải là người vạch ra những bước đi tiếp theo.

Thế nhưng Puigdemont sớm nhận ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của mình. Nếu thúc đẩy nỗ lực đòi độc lập quá quyết liệt, lực lượng cảnh sát quốc gia được Tây Ban Nha cử tới Catalonia có thể tới bắt ông vì tội xúi giục nổi loạn. Nhưng nếu gây sức ép không đủ mạnh, đảng Ứng viên Đoàn kết Đại chúng (CUP) vốn là chỗ dựa cho nỗ lực đòi ly khai của Catalonia chắc chắn sẽ làm loạn.

Vài ngày trước khi ra nghị viện Catalonia để báo cáo về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, Puigdemont họp kín cùng các trợ lý thân cận trong văn phòng ở trung tâm thành phố Barcelona.

Nhóm của ông gồm Phó thủ hiến Oriol Junqueras, một giáo sư lịch sử nghiên cứu chuyên sâu về Catalonia, cùng lãnh đạo các đảng ly khai và các nhóm xã hội dân sự lớn. Những phần tử cực đoan thuộc đảng CUP đứng bên ngoài tòa nhà và thường xuyên được cập nhật về thông tin từ cuộc họp.

Sau cuộc họp kín, chiến lược được Puigdemont đưa ra là Catalonia sẽ học theo mô hình Slovenia, trong đó kết hợp giữa tuyên bố độc lập với lời kêu gọi Liên minh châu Âu tham gia vào quá trình đàm phán về việc thành lập một quốc gia mới.

Tháng 12/1990, Slovenia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ly khai khỏi liên bang Nam Tư. Với 88% cử tri nhất trí phương án ly khai, Slovenia trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 15/6/1991 và sau đó đẩy lui thành công các lực lượng quân đội Nam Tư ra khỏi nước này.

Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) chính thức công nhận Slovenia là quốc gia độc lập vào tháng 1/1992. Sự công nhận của EEC có ý nghĩa rất lớn đối với nỗ lực đòi độc lập của Slovenia, bởi EEC trước đó một tháng đã ban hành các tiêu chí thừa nhận quốc tế với những quốc gia mới thành lập, gồm các tiêu chuẩn về dân chủ, nhân quyền, pháp trị và sự tôn trọng quyền của người thiểu số. Việc EEC công nhận Slovenia chứng tỏ quốc gia này đã đáp ứng các tiêu chí đó.

Các lãnh đạo Catalonia cũng tin rằng nỗ lực đòi độc lập của họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với Scotland, vùng đất đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý đòi tách khỏi Anh năm 2014. Họ cho rằng nền kinh tế của Catalonia mạnh hơn nhiều so với Scotland, giúp củng cố lòng tin chính trị và niềm tin vào khả năng tự quản mà Scotland dường như còn thiếu.

Gáo nước lạnh

Thủ hiến Puigdemont đang đứng trước lựa chọn khó khăn cho tương lai Catalonia. Ảnh: BBC.

Sau cuộc trưng cầu dân ý đầy hỗn loạn khi cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha đánh đập người dân Catalonia đi bỏ phiếu, các lãnh đạo khu vực cho rằng tinh thần đang lên rất cao sẽ giúp thu hút sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực của họ. Thế nhưng, họ đã bị dội những gáo nước lạnh trên mọi mặt trận chỉ trong vòng 72 giờ.

Gáo nước lạnh đầu tiên đến từ Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Frans Timmermans, khi ông này thẳng thừng bác bỏ những khiếu nại của Catalonia về việc Tây Ban Nha sử dụng lực lượng cảnh sát đàn áp cử tri. Timmermans thậm chí còn yêu cầu Catalonia tôn trọng hiến pháp Tây Ban Nha.

Bình luận viên người Anh Daniel Hannan cho rằng EU cảm thấy bị đe dọa bởi phong trào đòi độc lập của Catalonia, đặc biệt là trong bối cảnh làn sóng ly khai đang hình thành ở châu lục này sau Brexit. Họ lo ngại rằng nếu ủng hộ Catalonia, sự thống nhất của cả liên minh sẽ sụp đổ.

Hai ngày sau, tòa án quốc gia Tây Ban Nha triệu tập một loạt lãnh đạo phe ly khai và cảnh sát trưởng Catalonia tới Madrid để điều tra về cáo buộc xúi giục nổi loạn. Nếu bị kết tội, những người này có thể phải ngồi tù tới 15 năm.

Trên mặt trận kinh tế, một loạt tập đoàn, công ty lớn làm nên sức mạnh cho nền kinh tế Catalonia, đột nhiên ồ ạt tháo chạy khỏi khu vực này để tránh tình trạng hỗn loạn và bất ổn. CaixaBank SA, biểu tượng cho sức mạnh tài chính và công nghiệp Catalonia, cũng quyết định chuyển trụ sở ra khỏi khu vực này đề phòng hậu quả từ một đấu tranh ly khai khó lường.

Bên trong "pháo đài" ở Catalonia, các lãnh đạo ly khai tin rằng chính phủ Tây Ban Nha đang có những tác động để các ông chủ doanh nghiệp tháo chạy khỏi khu vực, nhằm làm gia tăng bầu không khí hoảng loạn.

Trước sự hờ hững của EU và làn sóng tháo chạy của giới chủ doanh nghiệp, các lãnh đạo ly khai ở Catalonia trở nên bơ vơ, không có đồng minh cả bên trong lẫn bên ngoài. Những người đồng cảm duy nhất với họ vào thời điểm này chỉ là các phong trào đòi ly khai thất bại khác, chẳng hạn như ở Scotland.

Đến ngày 10/10, Puigdemont cùng các chính trị gia khu vực, nhưng không có đại diện của CUP, ký vào tuyên bố độc lập của Catalonia nhưng hoãn thi hành để tạo điều kiện đối thoại với Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha hôm qua gửi thông báo chính thức đến Puigdemont, yêu cầu làm rõ liệu ông có tuyên bố độc lập hay không.

Nếu không tuyên bố độc lập trong thời gian tới, Puigdemont có thể đánh mất sự ủng hộ của đảng CUP cũng như chức Thủ hiến của mình. Nhưng nếu ông ra tuyên bố ly khai chính thức, Madrid sẽ khởi động tiến trình pháp lý để phế truất ông và nắm quyền cai quản Catalonia. Thủ hiến vùng Catalonia có 5 ngày để giải quyết tình thế "tiến thoái lưỡng nan" này theo tối hậu thư của Madrid.

Tin cùng chuyên mục