Đến nay đã có 43 thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2021 lựa chọn được nhà thầu. Ảnh: Tiên Giang |
Theo kế hoạch LCNT, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG năm 2021 được chia thành 7 gói thầu với tổng dự toán là 15.192,4 tỷ đồng. Hồ sơ yêu cầu được phát hành từ 14/9 - 4/10/2021 với yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng kể từ ngày thỏa thuận khung có hiệu lực.
Danh mục ĐPG năm 2021 gồm 62 thuốc (ban đầu là 71 thuốc), chia thành các nhóm: biệt dược gốc (BDG) điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch; BDG chống nhiễm khuẩn; BDG điều trị tim mạch; BDG chứa Insulin và điều trị tiểu đường; BDG tác dụng trên đường hô hấp; BDG tác dụng đối với máu. Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các CSYT công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng/năm.
Sau hơn 1 năm triển khai với nhiều khó khăn, 61/62 thuốc đã đạt được thỏa thuận, hoàn thành đàm phán (chia thành 3 đợt). Một số thuốc đã phải gia hạn hiệu lực của hồ sơ đề xuất và bảo lãnh dự thầu tới 5 lần với tổng thời gian hiệu lực lần lượt 540 ngày và 570 ngày, kể từ ngày 4/10/2022.
Trong đó, đợt 1 có 19 thuốc đã được đàm phán thành công vào tháng 7/2022, kết quả LCNT được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 2/11/2022 và thỏa thuận khung được ký sau đó 7 ngày (ngày 9/11/2022). Giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giảm giá trung bình là 22,8%. Thời gian thực hiện thỏa thuận khung từ ngày 15/11/2022 đến hết ngày 14/11/2024.
Đợt 2 có 24 thuốc và đợt 3 có 18 thuốc. Theo đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bên mời thầu đã tiến hành các thủ tục để ký thỏa thuận khung với các nhà thầu trúng thầu đợt 2. Sau khi ký kết, thông tin cụ thể về nhà thầu và danh mục thuốc trúng thầu sẽ được công bố chi tiết. Dựa theo danh mục và số lượng thuốc theo nhu cầu thực tế, từng CSYT sẽ ký kết hợp đồng mua thuốc trực tiếp với các nhà thầu trúng thầu.
Theo chia sẻ của một số nhà thầu có thuốc tham dự ĐPG lần này, đây là nỗ lực rất lớn của Bên mời thầu và các đơn vị chức năng của Bộ Y tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Một số khó khăn, vướng mắc đã và đang được Bộ Y tế tháo gỡ. Gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BYT, trong đó cập nhật, bổ sung các danh mục thuốc phù hợp với thực tế hơn, trong đó có Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG… Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BYT quy định về việc đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc thay thế Thông tư số 32/2018/TT-BYT, trong đó đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính.
Từ việc chậm trễ ĐPG thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần đẩy nhanh hơn nữa công tác hoàn thiện thể chế, cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thẩm định, phê duyệt và cắt giảm những thủ tục không thực sự cần thiết. Thực tế, việc kéo dài thời gian ĐPG hay đấu thầu tập trung ở cả 3 cấp trong thời gian qua đã gây nhiều hệ lụy: người bệnh không được tiếp cận thuốc kịp thời; đối với doanh nghiệp (DN) là chi phí tăng cao, kể cả chi phí cơ hội, thời gian… cũng như không thể dự báo được thời điểm kết thúc đàm phán, phê duyệt kết quả LCNT, ký kết thỏa thuận khung hay ký hợp đồng cung ứng để lên kế hoạch đặt hàng, sản xuất, nhập khẩu, mỗi lần gia hạn hiệu lực hồ sơ đề xuất là một lần DN phải xin gia hạn bảo lãnh của ngân hàng…
Trong khi chờ đợi kết quả LCNT đợt 3, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đang chuẩn bị xây dựng tiêu chí LCNT danh mục thuốc ĐPG năm 2023, tổng hợp nhu cầu và lên kế hoạch tổ chức đàm phán. Kỳ vọng công tác ĐPG thuốc năm 2023 sẽ “thuận buồm xuôi gió”, giúp các nhà thầu, DN chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, và quan trọng hơn là người bệnh có thuốc đặc trị kịp thời.