Thêm một phiên “thoát hiểm” của Dow Jones, giá dầu tăng trở lại, Bitcoin đi lên

0:00 / 0:00
0:00
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất gần 68 điểm, tương đương giảm 0,2%, còn 34.297,73 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số tụt gần 819 điểm...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong trạng thái giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/1), nhưng cao hơn nhiều so với mức đáy của phiên, khi nhà đầu tư hướng về cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô tăng mạnh trở lại sau phiên sụt trước đó, giá tiền ảo cũng “xanh” nhẹ.

Lúc đóng cửa, Dow Jones mất gần 68 điểm, tương đương giảm 0,2%, còn 34.297,73 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số tụt gần 819 điểm, có lúc tăng gần 226 điểm. Biên độ rộng là sự tiếp nối xu hướng biến động mạnh gần đây của giá cổ phiếu ở Phố Wall, khi thị trường lo sợ Fed sẽ thắt chặt mạnh hơn dự báo trong cuộc họp kéo dài hai ngày 25-26/1.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,2%, chốt ở 4.356,45 điểm. Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 2,3%, còn 13.539,3 điểm.

Trong phiên ngày thứ Hai, Dow Jones đã có một cú “thoát hiểm” thậm chí còn ngoạn mục hơn, lần đầu tiên trong lịch sử phục hồi hơn 1.000 điểm từ mức đáy của phiên và chốt trong trạng thái tăng nhẹ. Nasdaq cũng đảo ngược mức giảm 4,9% trong phiên và đóng cửa với sắc xanh, đánh dấu phiên đảo chiều mạnh mẽ nhất kể từ năm 2008. Tương tự, S&P 500 cũng chuyển từ giảm sâu sang tăng khi đóng cửa.

“Môi trường giao dịch đầy biến động vẫn đang tiếp diễn”, chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge nhận định trong một báo cáo. “Nhưng những mức đáy của phiên ngày hôm qua vẫn chưa bị xuyên thủng”.

Cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, những nhóm được cho là sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế và lãi suất tăng, dẫn đầu sự phục hồi của thị trường phiên này. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,78%. Cổ phiếu các ngân hàng Bank of America và Citigroup tăng khoảng 2%. Cổ phiếu hai hãng dầu khí Occidental Petroleum và APA Corp cùng tăng hơn 8%.

Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn tiếp tục trầy trật. Hãng chip Nvidia, cổ phiếu đã giảm 24% từ đầu năm đến nay, mất 4,5% phiên này. Microsoft giảm 2,7%.

S&P 500 đã giảm hơn 8% từ đầu năm đến nay, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch bắt đầu.

“Tôi không cho rằng thị trường đã giảm xong. Đây là một quy trình điều chỉnh để thích nghi với môi trường mới mà chúng ta chưa quen”, chiến lược gia trưởng Liz Young của SoFi phát biểu.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh trong năm nay khi Fed phát tín hiệu có thể bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3. Do dự báo này, nhà đầu tư dịch chuyển vốn khỏi những cổ phiếu có mức tăng trưởng cao sang những tài sản có độ an toàn cao hơn. Nasdaq hiện đang ở trong trạng thái thị trường điều chỉnh, với mức giảm đã lên tới 16% kể từ một kỷ lục nội phiên thiết lập gần đây.

“Sức ép từ chính sách tiền tệ thắt chặt đang cao hơn so với mức trung bình lịch sử. Thiệt hại đang tập trung vào những cổ phiếu vốn hoá lớn, nhưng cũng có nhiều dấu hiệu về sự lan rộng”, một báo cáo của Barclays nhận định.

Điều mà thị trường chờ từ Fed trong lần họp này là tín hiệu tăng lãi suất từ bao giờ và tăng bao nhiêu. Ngoài cuộc họp Fed, giới đầu tư còn đang dõi theo căng thẳng địa chính trị ở biên giới Nga-Ukraine. Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc trao đổi với lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh phương Tây lo sợ Nga có thể tấn công quân sự Ukraine.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,93 USD/thùng, tương đương tăng 2,24%, đạt 88,2 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,29 USD/thùng, tương đương tăng 2,75%, chốt ở 85,6 USD/thùng.

Giá dầu tăng vì mối lo nguồn cung có thể trở nên thắt chặt hơn nữa do căng thẳng Nga-Ukraine, những lời đe doạ tấn công nhằm vào hạ tầng dầu khí của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), và việc liên minh OPEC+ gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu nâng sản lượng hàng tháng.

“Rủi ro địa chính trị đã đẩy giá dầu lên cao hơn, vì thị trường dầu vốn dĩ đã eo hẹp nguồn cung, với lượng dầu tồn kho giảm xuống mức thấp. Thị trường rất dễ rơi vào tình trạng khan hiếm dầu trong những tháng sắp tới”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.

“Các nhà giao dịch không biết căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine sẽ diễn biến tiếp theo ra sao, và liệu Iran có đạt một thoả thuận hạt nhân với phương Tây hay không. Tuy nhiên, thị trường nghiêng về khả năng có biến cố, và điều đó sẽ dẫn tới thiếu cung dầu”, ông Moya nói.

Thị trường tiền ảo tiếp tục “rón rén” phục hồi sau phiên bán tháo vào cuối tuần. Giá Bitcoin giữ đà tăng nhẹ từ đầu tuần, lên gần 37.000 USD, sau khi giảm 15% về ngưỡng 36.000 USD hôm thứ Sáu.

Lúc hơn 8h sáng nay (26/1) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 36.889 USD, tăng gần 1,4% so với cách đó 24 tiếng.

Tin cùng chuyên mục