Giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho ĐBSCL chiếm 18% tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của cả nước. Ảnh: Lê Tiên |
Khoản vay này được nhiều địa phương đề xuất dành cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính căn cơ nhất như: các dự án liên kết vùng, dự án kết cấu hạ tầng, hệ thống hồ chứa, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)…
Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư hiện có
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức các hội thảo, xây dựng bước đi, tìm kiếm giải pháp để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120/NQ-CP và Chỉ thị số 23/CT-TTg về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Một trong 3 nhiệm vụ được giao là huy động nguồn lực cho vùng ĐBSCL.
Giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho ĐBSCL chiếm 18% tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của cả nước. Tuy nhiên, nguồn vốn nêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng.
“Do vậy, Bộ KH&ĐT phối hợp với WB và một số tổ chức quốc tế đang xây dựng khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL, trước mắt với quy mô khoảng 1,05 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2023. Đây là khoản vay bổ sung bên cạnh các khoản hỗ trợ khác của Chính phủ phân bổ cho vùng ĐBSCL theo kế hoạch trung hạn, hàng năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thông tin thêm về khoản vay này, đại diện WB cho biết, WB đã thiết kế Chương trình tài trợ chính sách phát triển hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và tăng khả năng thích ứng với BĐKH tại vùng ĐBSCL. Thay vì tài trợ khoản vay đầu tư vào dự án cụ thể, WB muốn nguồn lực này đạt được mục tiêu “1 mũi tên trúng 2 đích”. Cụ thể là, hỗ trợ đổi mới cơ chế chính sách, cơ chế điều phối vùng; cải cách liên ngành, liên vùng tích hợp theo không gian. Nguồn lực tài chính của khoản vay sẽ được chuyển giao cho Chính phủ để hòa vào nguồn lực ngân sách nhà nước khi phân bổ cho vùng ĐBSCL. “Mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực đầu tư hiện có của ĐBSCL”, đại diện WB nhấn mạnh.
Đầu tư cho mục đích liên vùng
Góp ý cho việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị, sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho các dự án có tính chất liên vùng, tạo nên giá trị, lợi ích chung của vùng chứ không nên sử dụng riêng cho địa phương nào. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực này, vai trò của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL phải được thiết kế lại với quyền lực mạnh mẽ hơn thì mới đảm đương được.
Ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng bày tỏ quan điểm, ĐBSCL có quá nhiều cái cần được đầu tư nhưng cần phải tập trung đầu tư cho những vấn đề cốt lõi, những vấn đề lâu nay vẫn là “vùng trũng” như giao thông, BĐKH và vấn đề xã hội. Theo đó, về giao thông, nên đầu tư cho giao thông cốt lõi của vùng (2 - 3 trục giao thông dọc; 1 - 2 trục ngang); đầu tư cho sản xuất với những dự án “ngăn mặn, giữ ngọt”, ứng phó với BĐKH; vấn đề xã hội thì cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho chính sách giáo dục đào tạo.
Một trong những vấn đề được nhiều địa phương quan tâm là khoản vay này sẽ được sử dụng theo chế độ “cấp phát” hay “vay lại”. Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, một số địa phương đề nghị được “cấp phát” bởi nguồn vốn này được sử dụng cho các công trình liên vùng. Nếu “cho vay lại” thì rất khó chia tỷ lệ cho mỗi tỉnh, bởi mỗi địa phương có cơ chế tài chính, đặc thù ngân sách riêng.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương tại Hội nghị lấy ý kiến triển khai các nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu WB nghiên cứu thêm các kiến nghị của các địa phương về việc “cho vay” hay “cấp phát” đối với nguồn vốn 1,05 tỷ USD; đồng thời phải huy động thêm các nguồn lực khác, trong đó có cả những khoản vay không hoàn lại để hòa vào khoản vay này, tạo điều kiện để có nguồn vốn tốt nhất, ưu đãi nhất cho ĐBSCL.
“Việc đầu tư chắc chắn là không thể dàn trải. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL cân nhắc đề xuất những công trình ưu tiên làm trước như giao thông, thủy lợi có tính chất liên vùng, có tính chất lan tỏa nhằm giải quyết những vấn đề căn cơ nhất của vùng dựa trên những định hướng của quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ được tiến hành song song”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.