Thêm sức ép giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công được kỳ vọng là một trong những động lực phục hồi nhanh nền kinh tế. Nhưng theo nhiều chuyên gia, đầu tư công có trở thành động lực thực sự hay không còn phụ thuộc vào tốc độ giải ngân trên thực tế và lúc này cần tạo thêm áp lực từ nhiều chiều để thúc ép những bộ, ngành, địa phương chậm trễ phải tăng tốc giải ngân.
Ước tính đến 30/4/2022, còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt dưới 17%. Ảnh: Lê Tiên
Ước tính đến 30/4/2022, còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt dưới 17%. Ảnh: Lê Tiên

17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số liệu giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chậm trễ giải ngân. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, bên cạnh nhiều đơn vị giải ngân đạt cao, ước thanh toán đến 30/4/2022 vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; 41 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 17%. Trong số đó, Bộ Y tế mới giải ngân được 10,965 tỷ đồng (0,67% kế hoạch giao); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giải ngân được 0,48%; Đại học Quốc gia Hà Nội giải ngân được 0,22%; Bộ Giáo dục và Đào tạo giải ngân được 2,12%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 5,52%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13,7%… Ở khối địa phương, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp như: Bắc Kạn (4,9%), Hà Tĩnh (4,9%), TP.HCM (6,1%), Hải Phòng (14,7%), Hà Nội (15,8%), Đà Nẵng (8%)…

Bộ KH&ĐT nhận định, nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cơ bản tương tự như các năm trước, những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên. Đồng thời, việc thiếu hụt vật liệu xây dựng do giá cả tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện còn bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Tăng thêm áp lực từ nhiều chiều

Để thúc đẩy giải ngân, ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Nhiều chuyên gia đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong chỉ đạo đốc thúc giải ngân đầu tư công, đặc biệt là dự án trọng điểm. Các giải pháp đã được ban hành đúng hướng, nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế đang cần thêm động lực để phục hồi và còn một lượng vốn lớn cần giải ngân từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc đẩy nhanh, đẩy sớm hơn nữa nguồn vốn này vào nền kinh tế càng có ý nghĩa quan trọng.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi chưa có đột phá từ chính sách, thể chế để tạo ra động lực thúc đẩy giải ngân, thì trong ngắn hạn cần tạo áp lực để thay đổi. Đó là tạo áp lực từ cấp cao, đồng thời với áp lực từ bên ngoài vào qua công khai đánh giá kết quả, truyền thông vào cuộc.

TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng cho rằng, cần tạo thêm biện pháp hành chính để “thúc ép” thực thi. Lấy ví dụ việc công bố chỉ số PCI của địa phương đã tạo ra cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh giữa các địa phương, ông Cường gợi mở Chính phủ cũng nên xây dựng chỉ số đo lường, đánh giá năng lực điều hành giải ngân đầu tư công của địa phương. Địa phương nào năm nay giải ngân thấp thì năm sau cắt vốn, chuyển vốn cho địa phương khác, đồng thời xác định rõ trách nhiệm cá nhân lãnh đạo địa phương. Nếu có bộ chỉ số đó các địa phương sẽ có áp lực cạnh tranh lẫn nhau.

Nhiều ý kiến cũng kỳ vọng việc Thủ tướng thành lập các tổ công tác sẽ sớm phát huy hiệu quả, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới thay vì dồn vào cuối năm. Thực tế, tháng 11/2021, Thủ tướng cũng thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Lúc đó, đến hết tháng 10/2021, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn giải ngân chưa đạt 60% kế hoạch. 6 tổ công tác đã nhanh chóng rà soát, tổng hợp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của từng địa phương. Nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ ngay tại các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời xử lý vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công của từng bộ, ngành, địa phương. Cùng với nhiều giải pháp quyết liệt khác, tiến độ giải ngân đầu tư công hết năm 2021 đã có cải thiện rõ rệt.

Tin cùng chuyên mục