Giải ngân vốn đầu tư công của TP. Cần Thơ đến ngày 13/4/2022 chỉ đạt 8,14% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Cần Thơ, tính đến ngày 13/4/2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 Thành phố đã phân bổ là 6.823,082 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 2.045,074 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.778,008 tỷ đồng. Vốn đầu tư công giải ngân đến ngày 13/4/2022 đạt 539,069 tỷ đồng, đạt 8,14% kế hoạch.
Cũng theo Sở KH&ĐT TP. Cần Thơ, trong 21 sở, ngành được giao làm chủ đầu tư, có 8 chủ đầu tư chưa giải ngân; 10 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn; chỉ có 3 chủ đầu tư giải ngân trên 20% kế hoạch vốn; 4 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn; 4 quận có tỷ lệ giải ngân từ 10% đến dưới 30%. Đặc biệt, tính đến thời điểm báo cáo, còn 18 đơn vị chưa thực hiện báo cáo định kỳ gửi về Sở để tổng hợp. Các đơn vị này đều bị TP. Cần Thơ cảnh cáo.
Tình hình giải ngân thấp buộc UBND TP. Cần Thơ liên tục có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Một trong những giải pháp mạnh tay mà TP. Cần Thơ vừa ban hành nhắm đến nhà thầu thi công.
Tại Cần Thơ, Dự án cầu Trần Hoàng Na dù chỉ còn hơn 2 tháng để hoàn thành nhưng đến nay mới đạt 57% khối lượng. Đơn vị thi công là Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP Cầu 14 đã 3 lần bị Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ (chủ đầu tư) nhắc nhở. Trao đổi với Báo Đấu thầu, Chủ đầu tư cho biết, nếu không có tiến triển trong thi công, sẽ cắt giảm, điều chuyển khối lượng công việc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý dự án khẩn trương kiểm tra, đối chiếu quy định pháp luật hiện hành, các điều khoản trong hợp đồng thi công đã ký kết, thực trạng công tác triển khai trên công trường, thực hiện ngay các biện pháp, chế tài phù hợp đối với nhà thầu: cảnh cáo, xử phạt, cắt hợp đồng, thay thế ngay các nhà thầu yếu năng lực, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố, cấm tham dự thầu trên địa bàn Thành phố..., đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở KH&ĐT và UBND Thành phố trước ngày 24/4/2022. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công trên công trường, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền, có báo cáo đề xuất cụ thể, trình UBND Thành phố xem xét, giải quyết.
TP. Cần Thơ cũng lưu ý chủ đầu tư rà soát, báo cáo cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Theo đó, cần xem xét để nêu rõ lý do dẫn tới chậm giải ngân đầu tư công từ phía nhà thầu thi công, tư vấn, chủ đầu tư, quản lý dự án, mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, thẩm định chậm, thiếu vốn…
Bên cạnh đó, yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện thường xuyên kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công các dự án, công trình trên địa bàn, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nếu chậm bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tỷ lệ giải ngân của địa phương và Thành phố. UBND quận, huyện có trách nhiệm rà soát, báo cáo chi tiết về kế hoạch, tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án trên địa bàn, có văn bản cam kết tiến độ hoàn thành và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố.
Việc phân định rõ trách nhiệm để xảy ra chậm tiến độ thi công, giải ngân nhận được sự đồng thuận của các nhà thầu cũng như chủ đầu tư, đặc biệt nhằm sàng lọc những nhà thầu yếu kém, không để nhà thầu có năng lực vạ lây do hoàn cảnh khách quan.