Thị trường bán lẻ TP.HCM: Chủ và khách thuê tìm tiếng nói chung

(BĐT) - Tác động của Covid-19 đến thị trường bán lẻ trong 3 tháng qua là khá nghiêm trọng. Thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian tới chủ yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. 
Thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian sắp tới chù yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. Ảnh: Internet
Thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian sắp tới chù yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. Ảnh: Internet

Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, TP.HCM của Savills Việt Nam, tình hình hoạt động trong quý 2 dự kiến sẽ giảm khi các trung tâm bán lẻ đóng cửa tạm thời kể từ ngày 1/4/2020. Trươc đó, lưu lượng khách mua sắm tại các trung tâm bán lẻ bắt đầu giảm dần từ đầu tháng 2 khi các vấn đề liên quan đến ý thức cộng đồng trong việc bùng phát dịch bệnh nâng lên. 

Thực tế cho thấy, tại các trung tâm mua sắm, việc cho thuê có xu hướng ràng buộc về mặt pháp lý cao hơn và khách thuê muốn duy trì diện tích thuê hiện tại, do đó công suất vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, đối với các chủ nhà phố cho thuê bán lẻ, Covid-19 đã có những ảnh hưởng ngay lập tức.

Hầu hết khách thuê nhà phố là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bị ảnh hưởng từ sự sụt giảm doanh thu đột ngột nhiều hơn các nhà bán lẻ có quy mô lớn. Các thương hiệu nổi tiếng có diện tích thuê cả ở các trung tâm mua sắm và ở các nhà phố thường quyết định đóng các cửa hàng tại nhà phố trước.

Một khảo sát gần đây của bộ phận Nghiên cứu Savills cho thấy, doanh thu tại một số nhà hàng đã giảm 50% trong tháng 2 và đến 80% theo tháng trong tháng 3. Yêu cầu thuê nguyên căn và giá thuê cao cũng là những lý do cho việc đóng cửa.

Trong 9 tháng tới, 87% nguồn cung mới sẽ tập trung tại khu vực ngoài trung tâm và điều này có thể dẫn đến giá thuê trung bình giảm. Việc người tiêu dùng phải đối mặt với việc giảm thu nhập và sự không chắc chắn tăng, khiến các chủ đầu tư hiện đang xem xét trì hoãn thời điểm tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, Savills Việt Nam cũng đưa ra một điểm lưu ý tích cực là chi phí thuê giảm sẽ tạo động lực cho ngành bán lẻ. Nghĩa là, các nhà bán lẻ hiện hữu sẽ phải đổi mới các chiến lược bán hàng tại cửa hàng và trực tuyến để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Trước khó khăn của thị trường, chủ đầu tư bán lẻ trong nước đã có những phản ứng trong việc hỗ trợ khách thuê nhanh hơn so với các chủ đầu tư bán lẻ nước ngoài. Vào tháng 2, Công ty CP Vincom Retail công bố hỗ trợ trên giá thuê cho các khách thuê hiện tại với tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng từ các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã đề nghị mức giảm từ 20% đến 40% tùy theo từng trường hợp.

Với tầm nhìn phát triển bền vững trong dài hạn ở cả hai phía chủ cho thuê và khách thuê, các chuyên gia của Savills khuyến nghị nên gia hạn thời gian thuê trong thời gian 3 tháng; hoàn trả tiền thuê trong vòng 9-18 tháng tiếp theo hoặc trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê; thanh toán tiền thuê hàng tháng; đẩy nhanh những thay đổi về mô hình cho thuê truyền thống trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục