Thiếu hụt dòng tiền, LDG lỗi hẹn trả cổ tức

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Đặt ra mục tiêu tham vọng với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng năm 2020, tăng trưởng hơn 16% so với năm 2019, nhưng sau 3/4 chặng đường, kết quả đạt được của Công ty CP Đầu tư LDG (gọi tắt là LDG) lại vô cùng khiêm tốn. Bên cạnh đó, với lượng tiền mặt ít ỏi, Công ty không thể trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông ngay trong năm 2020.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, LDG đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt. Ảnh: St
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, LDG đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt. Ảnh: St

Hết tiền trả cổ tức

Hội đồng Quản trị (HĐQT) LDG vừa thông qua Nghị quyết lùi thời gian chi trả cổ tức năm 2019. Theo đó, thời gian dự kiến trả cổ tức năm 2019 được rời sang quý I hoặc thậm chí phải sang quý II/2021. LDG cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và LDG nói riêng, dẫn đến tiến độ thu tiền không như kế hoạch và nhu cầu dòng tiền để triển khai các dự án đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Do đó, Công ty cần cân đối và thu xếp nguồn tiền vào thời điểm phù hợp để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra tháng 6/2020, LDG đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt. Được biết, đây là lần đầu tiên LDG thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ năm 2016 đến nay. Theo quy định, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Như vậy, cổ tức sẽ được LDG thanh toán chậm nhất vào tháng 12/2020. Với hơn 239,8 triệu cổ phần đang lưu hành, tổng số tiền mà LDG phải chi ra là hơn 167,8 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với tổng tài sản lên đến hơn 5.250 tỷ đồng, nhưng để có thể chi ra hơn 167 tỷ đồng trả cổ tức lúc này là một bài toán khó với ban lãnh đạo LDG. Tính đến cuối quý III/2020, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty chỉ khoảng 2,1 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, gia tăng lượng tiền được nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch và nắm bắt cơ hội đầu tư sau dịch. Nhưng đối với LDG, nguồn vốn của Công ty đang bị chiếm dụng.

Tài sản có tính thanh khoản cao sau tiền mặt của LDG là các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đạt 2.418 tỷ đồng vào cuối quý III/2020. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn khác (được thuyết minh là phải thu từ đặt cọc, ký quỹ, ký cược) tăng gần 800 tỷ đồng lên 1.913 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2018, khoản mục này của LDG liên tục tăng từ mức 127 tỷ đồng lên 549 tỷ đồng cuối năm 2018 và lên 1.119 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Việc một lượng vốn lớn bị chiếm dụng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của LDG trong năm 2019 âm tới 1.496 tỷ đồng dù ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 600 tỷ đồng.

Kinh doanh khó khăn

Sau khi thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên sau 4 năm, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ban lãnh đạo LDG đặt ra mục tiêu kinh doanh tham vọng. Cụ thể, Công ty dự kiến doanh thu bán hàng đạt 2.756 tỷ đồng, gấp 3,5 lần năm 2019; lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 16% so với năm 2019.

Kết quả kinh doanh sau 9 tháng của LDG cho thấy bức tranh không sáng sủa như kỳ vọng.

Trong quý I/2020, LDG báo lãi sau thuế chỉ 1,4 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 120 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Sang quý II/2020, lãi ròng của LDG chỉ hơn 1 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn cả quý I. Con số này trong quý III/2020 được cải thiện so với 2 quý trước đó, đạt 10,1 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với 150 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, LDG ghi nhận 1.191 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 12,56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây là kết quả kinh doanh tệ nhất của LDG trong 4 năm trở lại đây.

Tin cùng chuyên mục