Ảnh Internet |
Đang hoàn thiện nhiều văn bản pháp lý
Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành mã số và tiêu chuẩn chức danh đấu giá viên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với tổ chức, hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thực hiện tốt công tác tuyển dụng, nâng ngạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm viên chức đấu giá viên, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách hợp lý đối với đội ngũ đấu giá viên làm việc tại các Trung tâm Dịch vụ ĐGTS, đảm bảo phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá.
Trong công tác xây dựng thể chế, Bộ Tư pháp đã soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS. Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BTP ngày 16/5/2017 quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá và biểu mẫu trong lĩnh vực ĐGTS (2 văn bản này có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật ĐGTS). Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã có văn bản góp ý gửi Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; có văn bản gửi Bộ Tài chính trong việc ban hành 3 thông tư hướng dẫn chế độ tài chính trong hoạt động ĐGTS.
Liên quan đến danh mục thủ tục hành chính (TTHC), trên cơ sở Luật ĐGTS và sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 106/2017/TT-BTC ngày 6/10/2017 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn hành nghề ĐGTS, phí thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS, hiện nay Bộ Tư pháp đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định công bố các TTHC trong lĩnh vực ĐGTS và sẽ công bố vào cuối tháng 12/2017.
Hiểu đúng về công khai việc đấu giá
Sau khi Luật ĐGTS chính thức có hiệu lực, hoạt động ĐGTS tại tỉnh Gia Lai đã gặp phải một số vướng mắc liên quan đến quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật ĐGTS quy định về thông báo công khai việc đấu giá tài sản: “Đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức ĐGTS phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất là 2 ngày làm việc”.
Tỉnh Gia Lai cho rằng, quy định như vậy là bất cập. Đơn cử, như một số báo ở địa phương (TP.HCM) nhưng phát hành toàn quốc, số lượng phát hành lớn, giá thành có thể rẻ hơn so với một số báo địa phương hoặc Trung ương khác. Như vậy, tài sản đấu giá ở Gia Lai có được đăng thông báo đấu giá ở các tỉnh, thành khác (như báo địa phương của TP.HCM). Trong khi đó, trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS hiện nay vẫn chưa vận hành mặc dù Luật đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
Theo Bộ Tư pháp, việc quy định như tại Khoản 1 Điều 57 nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức ĐGTS căn cứ tình hình thực tiễn việc tổ chức bán ĐGTS, thực tiễn đa dạng của các loại hình báo chí cả ở Trung ương và địa phương như hiện nay để thực hiện thông báo công khai việc đấu giá phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan của việc tổ chức đấu giá và hiệu quả của việc đăng thông báo công khai.
Về trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá, hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành trong quý I/2018.