Nga và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu mỏ. Ảnh: joeforameria.com |
Thỏa thuận này được cho là nhằm đối phó với tình trạng "ngập lụt" nguồn cung và hỗ trợ giá dầu. Trước đó, một số ngân hàng và tổ chức nghiên cứu đã có những nhận định về tác động của thỏa thuận trên đối với thị trường dầu toàn cầu.
Theo ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, thỏa thuận trên có tác động không lớn tới thị trường dầu mỏ. Goldman Sachs cho rằng thỏa thuận sẽ là không đủ để xác lập mức giá sàn cho dầu mỏ.
Trong khi đó, Citi Futures đánh giá việc “đóng băng” không có nghĩa là cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, Citi Futures dự báo Iran sẽ từ chối giảm lượng dầu xuất khẩu, trong bối cảnh nước này đang tiếp tục tăng sản lượng khai thác.
Tập đoàn tài chính Barclays của nước Anh nhận định thị trường dầu mỏ vẫn trong tình thế khó khăn. Kể cả khi thỏa thuận được ký kết thành công, đà tăng của giá dầu cũng hạn chế và OPEC sẽ đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan vừa muốn đẩy giá dầu lên vừa muốn bảo vệ thị phần.
Trong khi đó, tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) khuyến cáo nhà đầu tư trên thị trường năng lượng cần thận trọng vì ba lý do sau đây.
Một là Iran chưa sẵn lòng "đóng băng" sản lượng. Hai là sự thành công của thỏa thuận phụ thuộc vào Nga. Ba là sản lượng dầu mỏ của OPEC vẫn ở mức cao, “giúp” duy trì trình trạng dư cung.