Thoái vốn nhà nước kỳ vọng "bom tấn" từ SCIC

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tiếp tục ì ạch khi quý I/2025 không ghi nhận bất kỳ thương vụ nào thành công. Thị trường đang dồn sự chú ý vào các thương vụ thoái vốn lớn từ FPT, Nhựa Tiền Phong, VIWASEEN… trong danh sách thoái vốn đợt 1/2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
SCIC đang sở hữu 5,7% vốn tại Công ty CP FPT. Ảnh: Nhã Chi
SCIC đang sở hữu 5,7% vốn tại Công ty CP FPT. Ảnh: Nhã Chi

Không có thương vụ thành công trong quý I/2025

Báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 3/2025 và quý I/2025 của Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa 30 doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến thu về 36.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong các năm 2023, 2024 và quý I/2025 chưa thực hiện cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Như vậy, dự kiến 9 tháng còn lại của năm 2025 phải triển khai cổ phần hóa 30 doanh nghiệp.

Báo cáo cho biết, năm 2024 đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 8 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị 185,9 tỷ đồng, thu về 339 tỷ đồng. Trong quý I/2025 không có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn.

Theo thống kê của phóng viên, từ đầu năm đến nay, nhiều thương vụ thoái vốn đã diễn ra nhưng không thành công. Đáng chú ý, SCIC đã 2 lần thực hiện bán đấu giá hơn 10,8 triệu cổ phần sở hữu tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) (tương ứng 14,8% vốn điều lệ) với giá khởi điểm hơn 209 tỷ đồng nhưng đều không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, SCIC cũng không thành công trong việc bán hơn 12,054 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO với giá khởi điểm hơn 1.531,4 tỷ đồng, nên ngày 12/5 sẽ tổ chức đấu giá lần 2. Cũng vì không có nhà đầu tư đăng ký tham gia, SCIC chưa thể bán đấu giá cổ phần Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo.

Ngoài SCIC, nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước khác trong quý I/2025 đều không thành công. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Lào Cai chào bán 25,26% cổ phần Công ty CP Du lịch Dầu khí Sa Pa; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bán 35,37% vốn Công ty CP Cơ điện Uông Bí - Vinacomin và 20,4% vốn Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí; UBND tỉnh Lạng Sơn bán 34,87% vốn Công ty CP Chợ Lạng Sơn; Công ty Xăng dầu Khu vực II bán 9,5% vốn Công ty CP Thương mại Hóc Môn…

Báo cáo về công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2025 của Bộ Tài chính cho biết, để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ trì, nghiên cứu, trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; sửa đổi, bổ sung các quy định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

SCIC công bố loạt doanh nghiệp thoái vốn đợt 1/2025

Mới đây, SCIC đã công bố danh sách thoái vốn đợt 1/2025 gồm 31 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng, giao thông vận tải, năng lượng, y tế, nông nghiệp, công nghệ và du lịch. Trong đó, Tổng công ty Thăng Long đã được SCIC bán toàn bộ 10,5 triệu cổ phần, thu về 222,612 tỷ đồng vào ngày 26/12/2024.

Hai doanh nghiệp đang là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất của SCIC là Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP). Hiện SCIC đang sở hữu 5,7% vốn tại FPT, tính theo giá thị trường quanh mức 110.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu này có giá trị hơn 9.238 tỷ đồng. Còn tại Nhựa Tiền Phong, SCIC đang sở hữu 37,1% vốn điều lệ. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/5/2025, số cổ phần này có giá trị hơn 3.855 tỷ đồng.

Một số cái tên nổi bật khác trong danh sách thoái vốn của SCIC còn có Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty CP Nhựa Việt Nam…

Động thái thoái vốn mạnh mẽ này nằm trong chiến lược làm gọn danh mục đầu tư của Nhà nước. Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 690/QĐ-TTg, năm 2025 sẽ là năm bản lề để hoàn tất việc cơ cấu lại SCIC và sắp xếp các doanh nghiệp mà Nhà nước không còn nắm giữ lâu dài.

Tin cùng chuyên mục