Thời cơ vàng cho khởi nghiệp sáng tạo

(BĐT) - Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp “Quốc gia khởi nghiệp”, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo được tiếp lửa. Chưa khi nào, hai chữ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như thời gian vừa qua, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo, cho các ý tưởng đột phá.
Tại Việt Nam, cơ hội cho startup công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp là rất rộng mở
Tại Việt Nam, cơ hội cho startup công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp là rất rộng mở

Sẽ tạo ra làn sóng startup dựa trên công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, CMCN 4.0 là thời điểm vàng cho các startup trong lĩnh vực công nghệ. CMCN 4.0 đã và đang tác động rất lớn đến xu hướng khởi nghiệp, tạo ra làn sóng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng những công nghệ nổi bật của CMCN 4.0. Số liệu của Topica Founder Institute cho thấy startup về công nghệ tài chính, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục... là những lĩnh vực kêu gọi được số vốn đầu tư lớn nhất trong những năm qua.

Việt Nam đã có những dự án khởi nghiệp sáng tạo ấn tượng như Lozi - trang phát triển giải pháp công nghệ với mục đích liên kết trực tuyến giữa chủ nhà hàng với người dùng; Tripi - trang kết nối cung cầu thị trường du lịch; Iparking - bãi giữ xe thông minh, kết nối khách tìm nơi gửi xe ô tô với các bãi giữ xe trong nội thành Hà Nội và TP.HCM...

Với Việt Nam, khi nông nghiệp là thế mạnh của đất nước, thì cơ hội khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0 ở lĩnh vực này là rất rõ ràng. GS. Nguyễn Thị Lan thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, với sự hình thành của CMCN 4.0, nông nghiệp sẽ là cánh đồng màu mỡ nhất để sáng tạo, thử nghiệm, khởi nghiệp và đầu tư ứng dụng CMCN 4.0. Trong một thời gian dài trước đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp, tuy nhiên với sự xuất hiện của nông nghiệp 4.0, thế giới khởi nghiệp đã thay đổi. Tại Việt Nam, cơ hội cho startup ở lĩnh vực này là rất rộng mở, như xây dựng mô hình siêu chợ tập trung trực tuyến; tích hợp công nghệ vận chuyển, phân phối điểm đầu điểm cuối; truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa vào công nghệ blockchain để đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm, tạo thương hiệu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp;...

Trở về Việt Nam tham gia Chương trình Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam, TS. Nguyễn Kỳ Tài, Đại học Queensland, Australia chia sẻ, CMCN 4.0 là thời cơ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ như xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ ra quyết định trong nông nghiệp với các ứng dụng như robot nông nghiệp... “AI áp dụng trong nông nghiệp chỉ mới bắt đầu ở Australia. Chúng ta bắt đầu thì sẽ làm kịp” - TS. Nguyễn Kỳ Tài nhận định.

Các startup ứng dụng trí tuệ nhân tạo, big data,... cũng sẽ là hướng đi tiềm năng tại Việt Nam. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, cuộc CMCN 4.0 vượt trội hơn bất cứ một cuộc cách mạng nào trước đó bởi nó đã chạm tới sức mạnh quan trọng nhất của loài người, đấy là trí tuệ nhân tạo. Theo ông, Việt Nam cần những quyết sách mạnh hơn các quốc gia khác, phải tạo môi trường cho các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực này.

Cần thiết bàn tay Nhà nước

Để khởi nghiệp thành công trong cuộc CMCN 4.0, ngoài sự nỗ lực, trí tuệ của doanh nghiệp, giới trí thức, giới trẻ, sự chủ động đón bắt cơ hội của cộng đồng khởi nghiệp, thì rất cần bàn tay nâng đỡ của Nhà nước, từ thiết lập hành lang chính sách đến những hỗ trợ tài chính phù hợp.
Để khởi nghiệp thành công trong cuộc CMCN 4.0, ngoài sự nỗ lực, trí tuệ của doanh nghiệp, giới trí thức, giới trẻ, sự chủ động đón bắt cơ hội của cộng đồng khởi nghiệp, thì rất cần bàn tay nâng đỡ của Nhà nước, từ thiết lập hành lang chính sách đến những hỗ trợ tài chính phù hợp.

TS. La Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng thí nghiệm robot tiên tiến và tự động hóa, Đại học Nevada (Mỹ) chia sẻ, để các startup trong lĩnh vực công nghệ thành công, rất cần sự hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn đầu, nhất là hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm. TS. Hùng cho biết, trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của startup, nhà nước cần có hỗ trợ tài chính tương ứng. Trong giai đoạn ban đầu, khi startup mới chỉ có ý tưởng kinh doanh và mong muốn tìm hiểu nhu cầu thị trường, Chính phủ Mỹ cấp kinh phí để đi khảo sát khách hàng. Khi startup cần nguồn tài chính để hoàn thiện công nghệ, sản phẩm mẫu nhưng chưa có nguồn doanh thu - thời điểm việc đầu tư cho startup gặp rủi ro cao, nhà đầu tư chưa mặn mà, Chính phủ Mỹ cũng cung cấp các nguồn tài trợ không hoàn lại cho startup.

Còn theo ông Toni Bui, Chuyên gia tư vấn về chính sách tài chính cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhà nước chính là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều nước trên thế giới đã có chính sách về mua sắm công dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như Anh, Mỹ, Canada... Ví dụ như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SBIR của Chính phủ Mỹ kết hợp giữa việc tài trợ không hoàn lại và mua sắm công từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Chính phủ Mỹ đưa ra các vấn đề cần giải quyết về mặt công nghệ và cung cấp tài trợ cho những đề xuất tốt từ nhiều startup, sau đó theo sát quá trình phát triển công nghệ, phát triển mô hình kinh doanh của startup để lựa chọn những startup có giải pháp hoàn thiện và phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề của Chính phủ và sản phẩm của startup sẽ được Chính phủ mua lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mua sắm công hướng đến hỗ trợ startup là hiệu quả cho cả hai phía. Đó là, giúp startup có khách hàng đầu tiên, chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường, từ đó dễ dàng thu hút được các nguồn vốn đầu tư tiếp theo từ tư nhân. Đồng thời, việc mua sắm công từ startup sẽ rất có lợi cho nhà nước để được tiếp cận các công nghệ, giải pháp phù hợp một cách nhanh chóng và với chi phí thấp hơn nhiều so với việc mua các giải pháp có sẵn, nhất là các giải pháp công nghệ từ nước ngoài.