Trông người, lại ngẫm đến ta
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc ở New York hồi cuối tháng 9/2015, Thủ tướng New Zealand John Key thông báo một tin vui: New Zealand sẽ lập một trong những khu bảo tồn đại dương lớn nhất thế giới ở Nam Thái Bình Dương thông qua việc mở rộng khu bảo tồn hiện hữu quanh quần đảo Kermadec. Rộng đến 620.000 km², nằm ở Nam Thái Bình Dương, khu bảo tồn này sẽ là một trong những hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới và được giám sát thông qua lực lượng hải quân và vệ tinh.
Người New Zealand đã chứng tỏ với cả thế giới rằng họ rất biết cách khai thác thế mạnh của một quốc gia biển bằng cách làm “kinh tế biển xanh”. Cần phải nhấn mạnh yếu tố “xanh” ở đây, với một trong những minh chứng rõ nét nhất là việc đánh bắt cá (kể cả thương mại và giải trí), cũng như khai thác dầu khí, thăm dò và khai thác khoáng sản sẽ hoàn toàn bị cấm trong vùng diện tích rộng lớn của khu bảo tồn.
Trong khi đó, dù hội đủ hầu hết lợi thế của cường quốc biển, đó là: vị thế vận tải quốc tế; vị thế chiến lược quốc phòng; sản phẩm hải sản và thực phẩm biển; dầu mỏ và tài nguyên năng lượng; vị thế biển liên kết với lục địa trong vùng kinh tế tăng trưởng cao…, song theo Viện Nghiên cứu Đức GIGA (Hamburg), chỉ số đại dương CenPRIS (COI) của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Đây là chỉ số biểu hiện mức độ biến những tiềm năng biển thành lợi thế kinh tế. COI cho thấy Việt Nam nằm ở nhóm dưới trung bình trong khối ASEAN (cùng với Brunei, Campuchia và Philippines).
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều kinh nghiệm thành công của các cường quốc biển vẫn chưa được Việt Nam vận dụng. Chúng ta chưa có những quy định về kích cỡ dòng hải sản được phép khai thác theo chủng loại, thời gian và sản lượng quy định theo năm, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên. Việt Nam hầu như chưa có dây chuyền khai thác và chế biến đóng gói liên hoàn cho cá biển dẫn đến giảm cấp khi mang vào đất liền, mà câu chuyện cá ngừ đại dương là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn tín dụng, công nghệ và quản lý chưa thật sự lan toả xuống từng địa phương, và bản thân địa phương lại rất thụ động trong việc triển khai, phản hồi.
Công tác xúc tiến thương mại và nghiên cứu phát triển (R&D) cũng còn hạn chế, nhất là còn thiếu những nỗ lực nghiên cứu và tiếp cận thị trường đối với các dòng hải sản giá trị cao; hậu cần vận tải biển chưa chủ động và liên kết với chuỗi giá trị quốc tế của hải sản... Chưa có một doanh nghiệp tầm cỡ nào của Việt Nam tập trung xây dựng được thương hiệu vững chắc trong lĩnh vực kinh tế biển. Hồi giữa năm 2014, nhiều người đã khấp khởi mừng khi Tập đoàn Đức Khải tuyên bố đầu tư hàng trăm tàu đánh bắt cá ngừ, nhưng cho đến bây giờ doanh nghiệp này vẫn chưa có những động thái nào thực sự tích cực. Ngành hàng hải dự kiến từ sau năm 2020 sẽ dẫn đầu, vượt lên trên các ngành kinh tế biển khác (dầu khí, thủy sản, du lịch,…), nhưng thực tế đang diễn ra không như mong đợi.
Lấy “xanh” làm đầu
Trong “3 chân kiềng” của kinh tế biển, với triết lý “phát triển xanh”, hoạt động hàng hải - du lịch phải đi trước một nhịp so với 2 ngành kia.
Theo các chuyên gia về phát triển thương hiệu, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức hình thành, du lịch biển đảo cần phải được tất cả các thành viên tham gia và du lịch trên biển là một hoạt động dân sự chính đáng, sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh của cộng đồng quốc tế. “Chỉ riêng một trục tam giác TP.HCM - Singapore - Manila mà các hãng lữ hành biển như Star Cruises triển khai phối hợp với sự bảo vệ an ninh hàng hải giữa nội khối ASEAN cũng là một giải pháp chính đáng thuần tuý dân sự và kinh tế vùng”, ông Võ Văn Quang, chuyên gia tư vấn về phát triển thương hiệu và marketing bình luận.
Theo TS. Nguyễn Chu Hồi, ngoài những đảo lớn đã và đang được khai thác phát triển như Phú Quốc và - trong một chừng mực nào đó - là Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Việt Nam còn có khoảng 2.800 đảo nhỏ hoang sơ có thể phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn (conservation-based economy). Bên cạnh đó là tiềm năng phát triển năng lượng thủy triều, năng lượng gió và mặt trời; nghề cá giải trí (đã được Chính phủ khuyến khích trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 phê duyệt từ năm 2013).
Muốn hiện thực hóa những tiềm năng đó, đặc biệt nếu quán triệt tinh thần “lấy xanh làm đầu”, thì trước tiên đội ngũ những người làm khoa học, công nghệ biển cũng như các phương tiện điều tra, nghiên cứu biển tiên tiến cần được đầu tư tương xứng, nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu biển quốc gia đủ độ tin cậy.