Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo cao hơn 6,8%

(BĐT) - Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2019 là nền tảng rất quan trọng để chúng ta có năng lực sản xuất mới cho tăng trưởng bền vững. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều 5/11.
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng 7,4%
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng 7,4%

Thủ tướng đánh giá, tình hình tháng 10 và 10 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực. Công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 9,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao, gần 12%. Tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt, lũy kế 10 tháng đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4%, đặc biệt khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%. Xuất siêu 7 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ trước đến nay. Cả nước có 114.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá khách quan kết quả đạt được để tạo niềm tin, không khí phấn khởi cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các mặt tồn tại, khó khăn, bất cập như thiên tai, dịch bệnh, giá một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm…; một số ngành công nghiệp giảm tốc; một số công trình lớn chậm tiến độ…

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại mục tiêu thúc đẩy để hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019 và chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch 2020 khi mà tình hình quốc tế rất khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, Bộ KH&ĐT nhận định, bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng còn lại của năm 2019 đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục