Thông điệp thị uy của tàu sân bay Trung Quốc tự đóng

Hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên, Trung Quốc dường như muốn thị uy sức mạnh và gửi thông điệp cảnh báo tới các quốc gia có liên quan đến tranh chấp trên biển.
Trung Quốc hôm qua hạ thủy tàu sân bay001A tạixưởng đóng tàu Đại Liên. Ảnh:Xinhua
Trung Quốc hôm qua hạ thủy tàu sân bay001A tạixưởng đóng tàu Đại Liên. Ảnh:Xinhua

Trung Quốc hôm qua làm lễ hạ thủy con tàu sân bay nội địa đầu tiên mang mã số 001A tại xưởng đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc. Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cùng nhiều quan chức cấp cao chính quyền, theo New York Times.

Quân đội Trung Quốc ca ngợi việc hạ thủy tàu 001A cho thấy "bước tiến quan trọng trong quá trình thiết kế, chế tạo tàu sân bay" của nước này. Con tàu sẽ tiếp tục trải qua các bước kiểm tra và gắn trang thiết bị trước khi thử nghiệm trên biển.

Tàu 001A được hạ thủy trong bối cảnh Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các động thái phô diễn sức mạnh quân sự nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trong các tranh chấp trên biển ở châu Á. Mặt khác, những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đang dâng cao.

Thị uy sức mạnh

Tàu sân bay 001A neo tại cảng

Hai tàu sân bay Trung Quốc hiện sở hữu, gồm chiếc vừa hạ thủy cùng một chiếc khác mang tên Liêu Ninh mua từ Ukraine vào năm 1998 rồi đại tu lại, không thể so sánh về sức mạnh hay khả năng hoạt động với đội tàu sân bay 10 chiếc của Mỹ.

Tuy nhiên, động thái hạ thủy con tàu dường như là cách để Trung Quốc gửi đi thông điệp rằng họ sẽ hướng tới xây dựng hải quân trở thành một lực lượng không thể bị đánh bại bởi các quốc gia châu Á khác, ông Patrick M.Cronin, giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, trụ sở ở Washington, nhận định.

"Với mỗi con tàu sân bay mới, Trung Quốc lại truyền đi tín hiệu rằng các quốc gia láng giềng không phải đối thủ của họ", Cronin bình luận.

Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay Liêu Ninh vào năm 2011. Giới phân tích đánh giá con tàu 001A sở hữu nhiều nét tương đồng với tàu Liêu Ninh nhưng nhỉnh hơn một chút về công nghệ. Trung Quốc có thể phải mất hơn ba năm nữa để hoàn tất việc trang bị, thử nghiệm và biên chế tàu 001A.

Theo ông Cronin, Trung Quốc muốn theo đuổi chiến lược lâu dài cho phép "những thực thể sân bay nổi có chủ quyền" tham gia vào các hoạt động quân sự, nhưng "những lợi ích chính trị, tâm lý mà Bắc Kinh được hưởng đang ngày một rõ ràng hơn", đặc biệt là tại các vùng biển gần Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lấy việc hiện đại hóa, củng cố năng lực quân đội làm trụ cột trong những chính sách ông theo đuổi. Ông Tập từng cam kết chuyển nhiều nguồn lực trước đây đầu tư cho các lực lượng mặt đất sang cho không quân, hải quân.

Những thay đổi phức tạp ông Tập đề ra hiện vẫn được tiến hành. Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng yêu cầu các tướng lĩnh quân đội phải luôn sẵn sàng thay đổi.

"Hãy thích nghi với những yêu cầu từ các chiến dịch tích hợp chung cũng như các hệ thống và tổ chức mới", ông Tập hôm 15/4 nói trong cuộc gặp với 84 chỉ huy đơn vị cấp quân đoàn được thành lập với mục tiêu làm nền tảng cho kế hoạch cải tổ quân đội.

Hải quân là trọng tâm phát triển chính trong những kế hoạch ông Tập muốn thực hiện nhằm hiện đại hóa quân đội. Ngoài tàu sân bay, Trung Quốc cũng đang sản xuất các loại tàu khác hỗ trợ khả năng hoạt động và thực thi nhiệm vụ trên biển, ông Andrew S. Erickson, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận xét.

"Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hải quân cho dài hạn: chế tạo không chỉ tàu sân bay mà còn cả tàu hỗ trợ hay tàu chiến", ông Erickson cho biết. Các tàu đang được chế tạo bao gồm một tàu hỗ trợ loại mới cùng 4 tàu tuần duyên hộ tống tàu sân bay.

Theo chuyên gia, dù khả năng và kích thước tàu sân bay nội địa mới của Trung Quốc còn khiêm tốn, nó là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành hiện đại hóa và mở rộng các lực lượng hải quân từng bước một, tránh rủi ro từ việc nhảy vọt công nghệ.

Giới quan sát ước tính khi hoàn thiện, tàu sâu bay 001A sẽ nặng khoảng 70.000 tấn. Trong khi đó, tàu sân bay lớp Nimitz hiện tại của Mỹ nặng 100.000 tấn và sử dụng năng lượng hạt nhân nên có thể duy trì hoạt động trên biển lâu hơn mà không cần bảo trì, duy tu.

Li Jie, chuyên gia về hải quân Trung Quốc, nhận định việc hạ thủy tàu 001A là dấu hiệu thể hiện "sự vươn lên và phát triển mạnh mẽ của sức mạnh quốc gia" nhưng ông cũng lưu ý rằng "dù đạt được bước tiến lớn, không thể nói Trung Quốc đã vượt mặt Anh hay Pháp về chế tạo tàu sân bay".

Quá trình đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc

Theo cây bút Chris Buckley từ NYTimes, tàu sân bay Trung Quốc hiện không thể hoạt động trên biển lâu bằng tàu sân bay Mỹ. Bên cạnh đó, các phi cơ xuất kích từ tàu sân bay Trung Quốc cũng không thể mang theo nhiều đạn dược như chiến đấu cơ Mỹ. Vì thế, tàu sân bay Trung Quốc thực tế không phải mối đe dọa đối với Washington. Nó có lẽ phù hợp hơn với nhiệm vụ thị uy sức mạnh trong khu vực, đặc biệt là tại những vùng biển tranh chấp như Biển Đông.

Tàu sân bay còn dễ bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa hay ngư lôi. Đây là lý do khiến nhiều quốc gia không muốn chế tạo chúng. Nhưng các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc vẫn cho rằng tàu sân bay là một phần không thể thiếu nếu muốn triển khai sức mạnh.

"Tàu sân bay vẫn là những nền tảng hoạt động mạnh mẽ nhất trên phạm vi toàn cầu", bài viết do trang web chính thức của quân đội Trung Quốc đăng tải hồi tháng trước có đoạn. "Chúng không thể thay thế và rất khó để vượt qua".

Tin cùng chuyên mục