Việt Nam đặc biệt quan tâm đến hàng không, ưu tiên các chuyến bay quốc tế chở chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam. Ảnh Internet |
Sau thảo luận, Hội nghị đã thông qua báo cáo tóm tắt kết quả hội nghị và khuyến nghị chính của Hội nghị Quan chức cấp cao GTVT ASEAN (STOM) 49 và 50 như: Thông qua Danh sách các ưu tiên thường niên/Hoạt động chính trong năm 2021; thông qua các khuyến nghị của Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2015 - 2025 và Kế hoạch sửa đổi thực hiện KLTSP 2016 - 2025…
Các Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN cũng đã thông qua Nghị định thư Thực hiện-2 (IP2): Các Tổ chức Đào tạo hàng không về Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau về cấp phép phi hành đoàn (MRA trên FCL); thông qua Kế hoạch tổng thể Dịch vụ không lưu ASEAN; thông qua Hướng dẫn hoạt động Covid-19 của toàn ASEAN; thông qua Hướng dẫn cải thiện quy trình chuẩn để báo cáo tai nạn giao thông đường bộ ở các quốc gia thành viên ASEAN dựa trên các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể cho biết, Việt Nam là một trong các nước được quốc tế công nhận phòng, chống dịch Covid-19 tương đối tốt. Với 100 triệu dân, Việt Nam xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và của các ngành, trong đó có ngành GTVT. Khi dịch bắt đầu xảy ra, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người dân một cách tốt nhất; trong đó có biện pháp tiến hành test một cách cẩn thận đối với hành khách đến Việt Nam, thực hiện cách ly và sau khi xác định rõ không nhiễm bệnh mới được hòa nhập cộng đồng.
Việt Nam đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong khai thác thị trường nội địa. Trong đó, ngành GTVT đã tập trung cao độ cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụ thể, năm 2020 đã triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, giúp cho các ngành kinh tế khác phát triển theo; giải ngân xây dựng cơ bản lĩnh vực GTVT tăng khoảng 1,5 lần.
Về vận tải, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến hàng không, ưu tiên các chuyến bay quốc tế chở chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, hạn chế khách du lịch; đồng thời đẩy mạnh vận tải hành khách hàng không nội địa.
Về hàng hải, Việt Nam tập trung cao độ cho vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, góp phần tích cực vào kết quả hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt giá trị sản lượng khoảng 550 triệu USD, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đất nước khoảng 3%.