Những quy định tại Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng cơ hội canh tranh cho các nhà thầu, nhất là nhà thầu là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Ảnh: Nhã Chi |
Cụ thể, Thông tư 22 sửa đổi quy định về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng để tăng tính linh hoạt, chủ động cho nhà thầu khi thực hiện bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng; đồng thời giảm chi phí tham dự thầu, đặc biệt đối với nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, nhà thầu chỉ cần cam kết trong đơn dự thầu đối với bảo đảm dự thầu có giá trị dưới 50 triệu đồng (quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT là 20 triệu đồng); đối với giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng dưới 50 triệu đồng thì khi đối chiếu tài liệu hoặc ký hợp đồng, nhà thầu không bắt buộc đính kèm bảo lãnh dự thầu mà có thể thực hiện bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản. Thông tư 22 cũng bổ sung quy định về giấy phép bán hàng để khắc phục tình trạng nhà sản xuất, đại lý cố tình cản trở việc trúng thầu của nhà thầu. Theo đó, trường hợp nhà thầu đã được xét duyệt trúng thầu, nhưng nhà sản xuất, đại lý phân phối không cung cấp giấy phép bán hàng mà không có lý do chính đáng và nhà thầu này có đủ khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác thì vẫn được ký hợp đồng mà không cần xuất trình giấy phép bán hàng. Thông tư 22 bổ sung quy định về hợp đồng điện tử và kết nối Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với Kho bạc Nhà nước để tạo thuận lợi trong việc lưu trữ, thanh toán hợp đồng...
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phan Sơn Hoàng, Giám đốc dự án Công ty Suntech Co.Ltd cho biết, nhiều quy định mới của Thông tư 22 được nhà thầu chờ đợi từ lâu. Với quy định mới về giấy phép bán hàng, gần như nhà thầu được cởi bỏ lo ngại về việc bị nhà sản xuất hoặc đại lý cản trở tham gia đấu thầu bằng việc từ chối cấp giấy phép bán hàng. Trong thời gian qua, không ít trường hợp nhà thầu “dở khóc dở mếu” bởi phút cuối bị nhà sản xuất từ chối cấp giấy phép bán hàng. Với nhiều quy định mới, Thông tư 22 đã tạo thuận lợi tối đa cho nhà thầu làm các thủ tục hành chính qua mạng như bảo lãnh điện tử, ký hợp đồng điện tử, chuyển khoản làm bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng dưới 50 triệu đồng… Điều này sẽ khắc phục được khó khăn về khoảng cách địa lý, tăng cường quản lý và công khai thông tin quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng trên môi trường mạng. Với những gói thầu có quy mô nhỏ và vừa, nhà thầu sẽ giảm được rất nhiều thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Sở hữu trí tuệ Davilaw cho biết, thủ tục làm bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng tại ngân hàng mất khá nhiều thời gian và chi phí. Bên mời thầu, chủ đầu tư, tổ chuyên gia khi nắm được các quy định mới này sẽ có tâm thế chuẩn bị tốt hơn trong việc phối hợp và tạo điều kiện đối với nhà thầu. Đặc biệt, việc cho phép ký hợp đồng điện tử là điều các nhà thầu mong đợi, tỷ lệ cạnh tranh ở các gói thầu vì thế sẽ tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng và Đo đạc bản đồ Linh Sơn đánh giá, Thông tư 22 đã giảm bớt các gánh nặng cho nhà thầu, tối đa hóa các ưu điểm của môi trường đấu thầu qua mạng. Với những nhà thầu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, Thông tư 22 tạo điều kiện và mở rộng cơ hội việc làm, giúp họ dễ dàng tham gia đấu thầu tại nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Việc đẩy mạnh và tối đa thông tin đấu thầu qua mạng cũng tạo điều kiện cho nhà thầu chứng minh năng lực của mình, hạn chế hành vi gian dối trong đấu thầu. Nhiều nhà thầu, nhà tư vấn nhận định, Thông tư 22 tạo điều kiện để nhà thầu được cạnh tranh một cách thực chất, ở đúng phân tầng xếp hạng của nhà thầu.