Thu hẹp khoảng cách với cam kết mua sắm công của EVFTA

(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới thể chế Việt Nam, trong đó đấu thầu là lĩnh vực chịu tác động mạnh và trực tiếp. 
Ảnh: Tất Tiên
Ảnh: Tất Tiên

Nhóm rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong EVFTA (thuộc Trung tâm WTO - VCCI) vừa kiến nghị, cần rà soát pháp luật về đấu thầu, xác định các nội dung khác biệt để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp; đề xuất giải pháp bảo đảm tuân thủ EVFTA theo cách thức có lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đáp ứng một phần các cam kết mua sắm công

Theo Nhóm rà soát của Trung tâm WTO, có khá nhiều nghĩa vụ cam kết về mua sắm công của EVFTA đã được quy định trong pháp luật Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Nhóm rà soát cho biết, Việt Nam đã tuân thủ một số nghĩa vụ mang tính nền tảng, trở thành thông lệ quốc tế chung trong đấu thầu (như các khái niệm, các nguyên tắc cơ bản liên quan tới hồ sơ mời thầu…) hoặc các nghĩa vụ chung về minh bạch, cạnh tranh trong trình tự, thủ tục đấu thầu. Đối với các nghĩa vụ này, khi thực thi EVFTA, Việt Nam sẽ không phải điều chỉnh hay bổ sung nội dung nào của các văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, dựa trên kết quả rà soát của mình, Nhóm cho rằng, vẫn còn khá nhiều nghĩa vụ cam kết trong Chương Mua sắm công của EVFTA có sự khác biệt so với pháp luật Việt Nam và vì vậy, cần được đưa vào hệ thống pháp luật Việt Nam theo cách thức thích hợp. Theo Nhóm rà soát, các quy định hoàn toàn khác biệt so với cam kết EVFTA được Nhóm chỉ ra liên quan đến: định nghĩa khái niệm cơ quan mua sắm, phạm vi (cam kết về tiêu chí xác định các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh, giá gói thầu, lộ trình mở cửa), các nguyên tắc chung (cam kết về đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử), đăng tải thông tin đấu thầu, thông báo mời thầu (cam kết về đăng tải thông tin về gói thầu trên phương tiện phù hợp, thời gian đăng tải), chỉ định thầu (cam kết về nguyên tắc áp dụng chỉ định thầu, số lượng nhà thầu tham gia chỉ định thầu). Bên cạnh đó, Nhóm cũng nêu ra một số quy định mà pháp luật Việt Nam quy định phù hợp một phần nhưng không hoàn toàn với các cam kết trong EVFTA về các vấn đề: định nghĩa (khái niệm chỉ định thầu, biện pháp ưu đãi trong nước, dịch vụ); các nguyên tắc chung (cam kết về hình thức lựa chọn nhà thầu); thông báo mời thầu (cam kết về nội dung phải đăng tải); lựa chọn danh sách ngắn (cam kết về đấu thầu hạn chế)… 

Làm gì để giảm khác biệt trong các cam kết?

Nhóm rà soát đề xuất Việt Nam sẽ thực hiện tuân thủ EVFTA về mua sắm công theo các phương án: một là, xây dựng văn bản pháp luật riêng để thực thi EVFTA; hai là, sửa đổi pháp luật chung để thực thi EVFTA. Việt Nam có thể thực hiện cùng lúc 2 phương án, mỗi phương án sẽ thực thi cho một nhóm các cam kết thích hợp.

Đánh giá pháp luật về đấu thầu nói chung và Luật Đấu thầu năm 2013 nói riêng, ông Ninh Viết Định – Trưởng ban Ban Quản lý đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu quan điểm, Luật Đấu thầu năm 2013 là một cuộc cách mạng mà Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị và soạn thảo hướng đến nhiều nội dung liên quan đến quá trình hội nhập các FTA trong thời gian tới. Pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã tiệm cận, đáp ứng nhiều tiêu chí như nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, tăng tính giải trình và phù hợp với yêu cầu chung của hội nhập. Điều đó đã được phản ánh trong kết quả rà soát thể hiện trong báo cáo của Trung tâm WTO và việc thực thi EVFTA chỉ cần có một văn bản hướng dẫn nội dung đặc thù riêng, không đòi hỏi phải sửa đổi ngay pháp luật về đấu thầu.

Ông Ninh Viết Định cũng cho rằng, bên cạnh việc hội nhập, Việt Nam phải thực thi theo cam kết quốc tế, song có một số nội dung không nên đặt vấn đề hiệu chỉnh hoàn toàn theo hiệp định hội nhập (cụ thể là EVFTA), bởi chúng ta cũng phải có những bảo hộ cho thị trường mua sắm công trong nước, và cần có lộ trình hiệu chỉnh theo các cam kết quốc tế.

Thu hẹp khoảng cách với cam kết mua sắm công của EVFTA ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Mừng vì pháp luật về đấu thầu đã đi theo hướng chung của thế giới

“Nhìn chung, các cam kết liên quan tới vấn đề minh bạch và cạnh tranh trong đấu thầu đã được pháp luật về đấu thầu của Việt Nam tuân thủ. Việt Nam đã được tiếp cận các thông lệ quốc tế trong quá trình làm quan sát viên Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2012 và đã chủ động tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Luật Đấu thầu năm 2013. Đây là điều đáng mừng hơn là lo, vì pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã đi theo hướng chung của thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay là sự thay đổi đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan như: thuế, ngân sách, quản lý tài sản…, chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề thực thi các cam kết. Ví dụ một cách hình ảnh, cam kết là đặt bồn rửa bên trái, vậy thì, thực hiện đúng cam kết là chúng ta sẽ chuyển bồn rửa từ bên phải sang bên trái. Tuy nhiên, nếu như phần dây rợ, ống nước… không di chuyển theo thì không thể đạt được sự kỳ vọng tối đa hóa lợi ích từ việc thực hiện cam kết quốc tế”.

Thu hẹp khoảng cách với cam kết mua sắm công của EVFTA ảnh 2
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cần thêm nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để hiểu rõ nội dung của Hiệp định EVFTA

“Để có kết quả rà soát, đối chiếu, so sánh giữa pháp luật về đấu thầu của Việt Nam với các cam kết trong Hiệp định EVFTA một cách chính xác thì phải chờ đến khi nội dung cam kết được công bố chính thức. Điểm khác biệt giữa cam kết quốc tế so với pháp luật nội địa là điều dễ hiểu, vì các đối tác EU đi trước Việt Nam hàng chục năm, có hạ tầng kỹ thuật tốt và là khu vực mở cửa mạnh thị trường mua sắm công.

Do đó, để đánh giá mỗi quy định trong hệ thống pháp luật về đấu thầu hiện hành của Việt Nam hay cam kết trong EVFTA, cần có cái nhìn toàn diện, hiểu tường tận từng vấn đề nằm đằng sau mỗi câu chữ, bởi một số nội dung của Hiệp định chỉ quy định nguyên tắc mà không hướng dẫn chi tiết, nhưng lại mang tính chất bao trùm. Đây chỉ mới là tiếp cận bước đầu, chứ chưa dựa trên bản chính thức cuối cùng của Hiệp định, cho nên, trong thời gian tới cần có thêm nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để hiểu rõ từng nội dung của Hiệp định”.

Thu hẹp khoảng cách với cam kết mua sắm công của EVFTA ảnh 3
Ông Trần Trung Kiên, Chuyên gia cao cấp về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới
Thực hiện đồng thời việc rà soát cam kết của các FTA khác để đưa ra quy định chung

“Nhìn chung, Việt Nam không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi EVFTA, bởi các quy định của pháp luật về đấu thầu trong nước hiện hành đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, thậm chí còn đi trước các nhà tài trợ quốc tế. Ngân hàng Thế giới đang sửa đổi một số chính sách đấu thầu mua sắm, trong khi pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ nhất định, bởi đã có sự tham khảo và tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Việc rà soát các quy định trong nước với các cam kết của EVFTA là cần thiết để chuẩn bị cho việc thực hiện cam kết. Nhưng tốt hơn là thực hiện đồng thời việc rà soát các cam kết trong tương lai của các FTA khác để đưa ra một quy định chung, chứ không nên quy định riêng rẽ. Ngoài việc rà soát các quy định trong nước với các cam kết quốc tế để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, thì việc chuẩn bị năng lực cho doanh nghiệp, phổ biến các quy định về mua sắm công của EU cũng rất quan trọng”.

Trần Nam (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục