Trong năm 2020, có 96% số dự án PPP được đấu thầu rộng rãi, bao gồm cả đấu thầu rộng rãi quốc tế, song không có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 25 dự án PPP năm 2020, có 12 dự án đã ký hợp đồng (chiếm 48%), 6 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư (chiếm 24%), 5 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (chiếm 20%) và 2 dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (chiếm 8%). Về loại hợp đồng, có 16 dự án áp dụng hợp đồng BT (chiếm 64%) với tổng mức đầu tư khoảng 3.289,2 tỷ đồng; 4 dự án áp dụng loại hợp đồng BOO (chiếm 16%) với tổng mức đầu tư khoảng 691,64 tỷ đồng; 2 dự án áp dụng loại hợp đồng BLT (chiếm 8%) với tổng mức đầu tư khoảng 837,36 tỷ đồng; 2 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT (chiếm 8%) với tổng mức đầu tư khoảng 1.121,84 tỷ đồng và 1 dự án áp dụng hợp đồng hỗn hợp (chiếm 4%) với tổng mức đầu tư khoảng 542,42 tỷ đồng.
Theo lĩnh vực đầu tư, có 12 dự án thuộc lĩnh vực giao thông (chiếm 48%), 4 dự án thuộc lĩnh vực cung cấp nước sạch (chiếm 16%), 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (chiếm 12%), 1 dự án thuộc lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải (chiếm 4%), 1 dự án thuộc lĩnh vực chiếu sáng công cộng, còn lại là lĩnh vực khác (xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, văn hóa và kết hợp).
Trong số 16 địa phương thu hút 25 dự án PPP trong năm 2020, Hà Nam có 4 dự án, Bắc Ninh có 4 dự án, Thái Nguyên có 3 dự án, Bình Định có 2 dự án. Các địa phương có 1 dự án gồm: Bắc Giang, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hải Dương, Trà Vinh.
24 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi có tổng mức đầu tư khoảng 6.228 tỷ đồng; 1 dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 254 tỷ đồng. Trong năm 2019, tỷ lệ dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là 50%; tỷ lệ tổng mức đầu tư của các dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi là 24%, còn lại là dự án chỉ định nhà đầu tư. Như vậy, đối với các dự án PPP năm 2020, tỷ lệ số dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi tăng mạnh so với năm 2019.
Trong 16 địa phương thu hút 25 dự án PPP trong năm 2020, Hà Nam có 4 dự án, Bắc Ninh có 4 dự án, Thái Nguyên có 3 dự án, Bình Định có 2 dự án. Các địa phương có 1 dự án gồm: Bắc Giang, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hải Dương, Trà Vinh. Năm 2019, cả nước có 14 địa phương triển khai dự án PPP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, năm 2020, khung pháp lý về lựa chọn nhà đầu tư PPP đã đạt bước tiến quan trọng. Các quy định điều chỉnh hoạt động này trước đây ở cấp nghị định được nâng lên thành luật đã tạo khung pháp lý cao hơn, ổn định hơn cho phương thức đầu tư này. Mặc dù có tới 96% tổng số dự án PPP được đấu thầu rộng rãi, trong đó nhiều dự án được đấu thầu rộng rãi quốc tế, song theo báo cáo của các địa phương, trong năm qua, không có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn. Điều này cho thấy các dự án PPP vẫn chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.