Thu hút tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự bùng nổ các nguồn điện mặt trời, điện gió trong thời gian ngắn đã gây sức ép lớn đối với việc giải tỏa công suất các dự án điện trong bối cảnh thiếu hạ tầng truyền tải. Do đó, bài toán về lưới truyền tải theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cần sớm được giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng gia tăng.
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đầu tư mới và cải tạo 34.291 km đường dây 500 kV và 220 kV. Ảnh: Nhã Chi
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đầu tư mới và cải tạo 34.291 km đường dây 500 kV và 220 kV. Ảnh: Nhã Chi

Tăng nhu cầu đầu tư lưới truyền tải

Với chính sách khuyến khích phát triển NLTT, trong thời gian qua, các dự án điện mặt trời, điện gió gia tăng đột biến, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề trong vận hành hệ thống điện như: đầy tải, quá tải cục bộ, sụt giảm quán tính hệ thống, tăng số lần khởi động và yêu cầu điều chỉnh công suất các nhà máy nhiệt điện... Một trong những hệ quả của vấn đề này là việc giảm phát các nguồn NLTT.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh. Năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn NLTT gia tăng, lên tới 1,68 tỷ kWh, trong đó có 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương ứng khoảng 7 - 9% sản lượng khả dụng của các nguồn điện này.

Nguyên nhân chủ yếu là các dự án nguồn điện mặt trời, điện gió có thời gian đầu tư xây dựng ngắn, đi vào vận hành nhanh, trong khi đầu tư các công trình lưới điện lại cần khoảng từ 3 - 5 năm mới hoàn thành. Điều này gây áp lực lên lưới truyền tải, buộc phải cắt giảm công suất để đảm bảo an toàn hệ thống điện.

Thời gian tới, với chủ trương phát triển mạnh các nguồn năng lượng xanh, sạch để đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26, lưới điện truyền tải sẽ tiếp tục được đầu tư với khối lượng rất lớn để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu đầu tư mới và cải tạo các trạm biến áp 500 kV và 220 kV là 183.510 MVA, gấp 1,7 lần tổng dung lượng máy biến áp 500 kV và 220 kV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang quản lý vận hành. Trong giai đoạn này dự kiến đầu tư mới và cải tạo 34.291 km đường dây 500 kV và 220 kV, bằng 1,28 lần tổng chiều dài đường dây 500 kV và 220 kV EVNNPT đang quản lý vận hành. Nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 14 tỷ USD, tương ứng khoảng 1,4 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các dự án, EVNNPT cho biết, công tác đầu tư lưới điện truyền tải vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục được tháo gỡ. Điển hình là vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thỏa thuận tuyến đường dây, vị trí trạm biến áp truyền tải với chính quyền địa phương do việc bố trí quỹ đất cho các dự án lưới điện truyền tải chưa thực sự được các cấp, ngành quan tâm, quy hoạch điện chưa phù hợp với các quy hoạch tổng thể quốc gia; công tác chuyển đổi đất rừng, thủ tục xin chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án khá phức tạp, kéo dài; đơn giá bồi thường được cấp thẩm quyền phê duyệt thường không theo kịp giá thị trường…

“Mở cửa” cho khu vực tư nhân

Để giải bài toán về lưới điện truyền tải, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện tái tạo, nhiều giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đẩy mạnh khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng, nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng. Với NLTT, Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách mang tính đột phá để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia.

Cần có một quy hoạch tổng thể đối với các nguồn điện, đặc biệt nguồn NLTT kèm theo lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các công trình nguồn điện một cách đồng bộ. Từ đó góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng bị động và thiếu đồng bộ như thời gian qua.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Điện lực với việc làm rõ ràng căn cứ pháp lý nhằm kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện.

Cụ thể, Luật Điện lực (sửa đổi) bổ sung quy định “thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng” nhằm tháo gỡ ách tắc, giải phóng nguồn năng lượng. Luật cũng bổ sung quy định, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng.

Với những sửa đổi này, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, phạm vi giao cho tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện truyền tải đã được mở rộng so với trước đây (theo Luật Điện lực 2004, việc đầu tư lưới điện chủ yếu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện).

Ủng hộ chủ trương khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện, lãnh đạo EVN và EVNNPT nhấn mạnh quan điểm cần khuyến khích xã hội hóa đầu tư đấu nối các nguồn điện để chia sẻ nguồn lực và đảm bảo đồng bộ, hiệu quả đầu tư các dự án. EVN chỉ đầu tư các công trình đường trục, xương sống để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

EVNNPT kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản dưới luật có liên quan đến việc đầu tư và quản lý vận hành lưới điện truyền tải để làm cơ sở cho việc đầu tư và quản lý vận hành tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời, EVNNPT cũng như nhiều nhà đầu tư NLTT đề nghị Chính phủ sớm quyết định ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó cần có một quy hoạch tổng thể đối với các nguồn điện, đặc biệt nguồn NLTT kèm theo lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các công trình nguồn điện một cách đồng bộ. Từ đó góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng bị động và thiếu đồng bộ như thời gian qua.

Ông Lê Như Phước An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam nhấn mạnh, dù quy định hiện hành đã cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực truyền tải, nhưng đến nay, Công ty chưa thấy cơ chế thu phí truyền tải cho doanh nghiệp tư nhân khi tham gia đầu tư. Ông An kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét xây dựng cơ chế giá truyền tải điện đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho các nhà đầu tư. Có như vậy mới thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục