Mở rộng bầu trời Chu Lai, đón thời cơ cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đầu tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chỉ đạo về Dự án Đầu tư, khai thác cảng hàng không (CHK) Chu Lai: “Các thủ tục đầu tư phải hoàn thành trong 6 tháng, xây dựng xong sân bay trong vòng 2 năm để nhanh chóng đưa vào khai thác”. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, sắp mời gọi nhà đầu tư chiến lược.
Cảng hàng không Chu Lai được đầu tư nâng cấp để đáp ứng công suất khoảng 10 triệu lượt hành khách và khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ảnh: Hà Minh
Cảng hàng không Chu Lai được đầu tư nâng cấp để đáp ứng công suất khoảng 10 triệu lượt hành khách và khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ảnh: Hà Minh

Dấu ấn 20 năm

Tháng 3 này là tròn 20 năm CHK Chu Lai (Quảng Nam) đón chuyến bay thương mại đầu tiên. Cụ thể, 11 giờ ngày 22/3/2005, máy bay ATR 72, số hiệu VN 4000 của Vietnam Airlines từ TP.HCM hạ cánh, mở đầu cho hoạt động khai thác chuyến bay thương mại của sân bay Chu Lai. Theo ông Nguyễn Đương, Phó Giám đốc CHK Chu Lai, thời gian qua, Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng mở rộng nhà ga hành khách, hệ thống đèn đêm, hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác, hệ thống an ninh hàng không hiện đại… tại CHK Chu Lai. Dù vậy, CHK này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là chưa tạo ra cú hích đủ mạnh để Quảng Nam phát triển cực kinh tế phía Nam.

Giờ đây, CHK Chu Lai đang đứng trước cơ hội tiếp tục rộng mở nhờ Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, khai thác CHK Chu Lai do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng. Đề án định hướng xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý kết cấu hạ tầng CHK Chu Lai theo phương thức đối tác công tư (PPP), thời gian hoàn vốn dưới 25 năm (trước năm 2050). Phương án này được cho là sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, nhu cầu huy động vốn đầu tư hạ tầng CHK Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó khu bay khoảng 3.300 tỷ đồng, sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỷ đồng. Nội dung đầu tư chủ yếu tập trung vào các công trình hàng không dân dụng khu vực phía Đông của cảng, bao gồm các hạng mục công trình khu bay như đầu tư xây dựng đồng bộ 1 đường cất/hạ cánh mới, hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay; các công trình khu hàng không dân dụng như nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu lượt hành khách/năm, nhà ga hàng hóa với công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm...

Cơ hội cho nhà đầu tư có tiềm lực

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, Dự án CHK Chu Lai đang được Tập đoàn SOVICO-ADANI và Công ty CP Hàng không VIETJET quan tâm. Đã có nhiều cuộc làm việc giữa đoàn công tác tỉnh Quảng Nam với Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn ADANI (Ấn Độ) về các đề xuất nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác giải quyết các hồ sơ, thủ tục và xúc tiến, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác CHK Chu Lai. Ngoài ra, lãnh đạo Tỉnh cũng đã làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân về một số nội dung liên quan đến CHK Chu Lai.

Theo ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tỉnh đã giao Sở Xây dựng khẩn trương làm việc với Bộ Xây dựng về công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết CHK Chu Lai. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết Sở đang phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Tư vấn xây dựng và Dịch vụ hàng không (AEC) tiến hành công việc.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, bên cạnh Dự án CHK Chu Lai, một số nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến các dự án xây dựng hệ thống bến cảng và luồng mới vào cảng Tam Hiệp, Tam Hòa (tàu 50 vạn tấn), xây dựng các khu đô thị... nhằm đồng hành với Quảng Nam phát triển đồng bộ hệ thống giao thông hàng không, hàng hải, hệ thống bến cảng, logistics của Khu kinh tế mở Chu Lai, đặc biệt là việc hình thành khu phi thuế quan tại đây.

Theo Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai rộng 223,26 ha, khu phi thuế quan bao gồm khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp. Các công trình trong khu phi thuế quan có kiến trúc hiện đại, tạo lập một điểm đến, điểm dừng chân hấp dẫn của sân bay quốc tế Chu Lai...

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, cơ hội thu hút đầu tư là rất lớn vì Nhà nước đang quản lý 2.000 ha đất sạch, rất thuận lợi để xây dựng hạ tầng đô thị sân bay, các công nghiệp phụ trợ khác. Về cơ chế cũng rất thuận lợi, không còn rào cản bởi trong 2 lần về làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều thống nhất cao chủ trương xã hội hóa đầu tư dự án này. Thêm vào đó, các bộ, ngành rất ủng hộ Tỉnh về thực hiện thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai.

Tin cùng chuyên mục