Thu hút vốn nước ngoài đầu tư hạ tầng: Bài toán hài hòa lợi ích - rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc huy động được các nguồn vốn bên ngoài sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới để phát triển hạ tầng quốc gia trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn và ngân sách hạn hẹp. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tạo khung pháp lý ổn định, được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng vẫn chưa có chuyển biến lớn, đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực, trên tinh thần hài hòa lợi ích - rủi ro.
Quy trình, thủ tục đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam đã khá bài bản, dự án PPP sẽ ổn định và chắc chắn hơn nhiều so với cách thức mời gọi đầu tư theo “danh mục” dự án đầu tư trước đây. Ảnh: Lê Tiên
Quy trình, thủ tục đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam đã khá bài bản, dự án PPP sẽ ổn định và chắc chắn hơn nhiều so với cách thức mời gọi đầu tư theo “danh mục” dự án đầu tư trước đây. Ảnh: Lê Tiên

Bước tiến chính sách

Theo EuroCham, Luật PPP được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh vì mang lại sự chắc chắn và ổn định hơn cho hệ thống pháp lý.

Để hướng dẫn thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP; Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất…

Ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trong đó yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Điều 93 Nghị định số 35, trong đó có ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực quản lý.

Theo một chuyên gia, hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án PPP tại Việt Nam đã khá bài bản. Theo đó, dự án PPP cần phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và công bố công khai, rồi tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức đấu thầu. Do vậy, dự án được triển khai theo phương thức PPP sẽ ổn định và chắc chắn hơn nhiều so với cách thức mời gọi đầu tư theo “danh mục” dự án đầu tư như giai đoạn trước. Hiện các dự án PPP đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đều được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Điều này sẽ giải tỏa được băn khoăn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài về tiếp cận thông tin về dự án PPP tại Việt Nam.

Hiệu quả dự án PPP còn phụ thuộc vào thị trường, sự phối hợp chia sẻ rủi ro giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Hiệu quả dự án PPP còn phụ thuộc vào thị trường, sự phối hợp chia sẻ rủi ro giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Cần thêm nỗ lực

Trong Sách trắng năm 2023, EuroCham nhận định, lượng vốn mà nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng triển khai cho các dự án hạ tầng ở Việt Nam theo phương thức PPP đang giảm dần. Các nhà đầu tư châu Âu chỉ ra một số vấn đề được cho là có thể cản trở việc triển khai dự án PPP.

Đơn cử, một số nhà đầu tư nước ngoài đề xuất cho phép thế chấp quyền sử dụng đất của dự án tại ngân hàng nước ngoài, nhưng Luật Đất đai lại không cho phép bảo đảm bằng “đất đai và tài sản gắn liền với đất” cho các bên cho vay nước ngoài. Theo nhà đầu tư châu Âu, quy định này làm suy giảm các ưu đãi sử dụng đất như được quy định trong Luật PPP và làm hạn chế đáng kể khả năng tài chính của các dự án PPP tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích, cần đặt câu hỏi “ngân hàng nước ngoài muốn thế chấp quyền sử dụng đất để làm gì?”. Thực tế, ngân hàng nước ngoài lo Chính phủ lấy lại đất, thay đổi mục đích sử dụng dẫn đến đổ vỡ dự án, không có nguồn trả nợ. Về điều này, Luật PPP đã quy định, mục đích sử dụng đất được bảo đảm không thay đổi trong toàn bộ thời hạn thực hiện hợp đồng.

Theo một chuyên gia khác, việc thực hiện các quy định liên quan tới quyền sử dụng đất đối với dự án PPP phải tuân thủ Luật Đất đai. Ví dụ, khi nhà đầu tư đã được ưu đãi miễn thuế sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, tức là không có “nghĩa vụ tài chính” với đất thì không thể có “quyền” thế chấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Luật PPP cho phép nhà đầu tư được thế chấp quyền kinh doanh công trình dự án PPP, đây là một giải pháp giúp khơi thông nguồn vốn cho dự án.

Bên cạnh đó, EuroCham chỉ ra, vấn đề năng lực của chính quyền địa phương còn hạn chế; việc lập danh mục các dự án khả thi về thương mại chưa có nhiều tiến triển… cũng làm giảm tính cạnh tranh thu hút PPP. Và đối với việc chia sẻ rủi ro, trong trường hợp Chính phủ chia sẻ khoản lỗ, các quy trình mà nhà đầu tư buộc phải tuân theo vẫn phức tạp, mất thời gian và khó thực hiện. EuroCham cũng đề nghị có thêm các biện pháp ưu đãi cho những lĩnh vực đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư PPP.

Về những vấn đề này, một đại diện của Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ, nhiều quy định mới tại Luật PPP như cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, rút kinh nghiệm và giảm thiểu quy trình thủ tục nếu cần thiết. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật PPP sau 2 năm có hiệu lực, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp thu hút các quỹ tài chính quốc tế, nguồn vốn quốc tế tham gia thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam.

Theo nhiều ý kiến, việc triển khai hiệu quả dự án PPP còn là vấn đề của thị trường, của phối hợp và một số quy định liên quan, cũng như cần có tiếng nói chung về lợi ích - rủi ro giữa khu vực tư nhân và Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục