Thu phí tự động không dừng: Nhiều nỗi lo trước “giờ G”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù hạn chót chuyển sang thu phí tự động không dừng (ETC) sắp đến, vẫn còn nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ ETC với nhà cung cấp dịch vụ. Theo một số nhà đầu tư BOT, họ đồng thuận, chấp hành chủ trương, nhưng còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo một số nguồn tin, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã tổng hợp những vướng mắc chủ yếu trong đàm phán hợp đồng dịch vụ ETC giai đoạn 2, trong đó có thông tin vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 2.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư chia sẻ lý do chưa thực hiện ký kết hợp đồng là vì còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Theo một số nhà đầu tư, được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các trạm thu phí là tài sản thế chấp để doanh nghiệp dự án ký hợp đồng vay vốn ngân hàng thực hiện dự án. Vì thế, bất cứ một thương thảo nào liên quan đến doanh thu, ảnh hưởng đến lộ trình thu hồi vốn cũng cần phải thương thảo với ngân hàng và mức phí bổ sung theo phụ lục hợp đồng cũng phải được ngân hàng thống nhất, tránh phá vỡ cam kết theo hợp đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính pháp lý cũng như quan hệ tín dụng của nhà đầu tư với ngân hàng. Vì thế, nhà đầu tư BOT yêu cầu Bộ GTVT cùng có trách nhiệm làm việc với các tổ chức tín dụng tài trợ vốn để có thống nhất mới đủ cơ sở bàn giao trạm thu phí và nguồn thu cho nhà đầu tư ETC. Nhà đầu tư BOT cũng yêu cầu ký phụ lục hợp đồng trực tiếp với Bộ GTVT chứ không phải các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ETC do Bộ GTVT chỉ định.

Đồng thời, một số nhà đầu tư cho rằng, quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng khi ký hợp đồng với mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ (BOO1 và BOO2) lại quy định một mức phí khác nhau; có nhà cung cấp dịch vụ đàm phán mức phí theo thị trường với đơn vị sử dụng (khoảng 2 - 3% doanh thu trước thuế) nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức (5 - 7% doanh thu sau thuế) với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ GTVT tại các trạm là như vậy. “Việc nhà đầu tư BOT phải trích doanh thu 5 - 7% cho nhà cung cấp dịch vụ ETC là thiếu cơ sở và áp đặt đối với nhà đầu tư BOT. Bản chất và mục tiêu của các dự án là khác nhau, không thể để việc hoàn vốn cho các dự án phụ phát sinh sau ký sinh và đè nặng áp lực lên vai nhà đầu tư BOT khi bản thân các dự án này cũng đang rất khó khăn, phương án tài chính bị phá vỡ, không đảm bảo doanh thu do các nguyên nhân khách quan, mà đến nay vẫn chưa có đường hướng để tháo gỡ giải quyết”, một nhà đầu tư BOT lớn chia sẻ.

Bên cạnh đó, cùng một đầu mối quản lý và nội dung triển khai, có nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các nhà đầu tư BOT được lựa chọn hình thức thực hiện là có thể chủ động xây dựng hệ thống Front-End và chỉ cần thuê kết nối Back-End; có nhà cung cấp dịch vụ ETC thì yêu cầu phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí để quản lý vận hành trong khi nó thuộc quyền của nhà đầu tư BOT… Nhà đầu tư BOT đề nghị Bộ GTVT cần xây dựng phương thức quản lý và vận hành trạm thu phí khi có cả 2 bên tham gia tại trạm (một bên chỉ đơn thuần cung cấp giải pháp công nghệ ETC và một bên là chủ sở hữu dự án quản lý nguồn thu và duy trì vận hành trạm)…

Thời gian vừa qua một số địa phương đã chủ động phối hợp cùng các nhà đầu tư BOT phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC trên các tuyến do địa phương quản lý. Đáng chú ý, tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC là mức phí dịch vụ đề xuất (tỷ lệ % trên doanh thu) thấp nhất và đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị và kết nối hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Cách làm này, theo một số nhà đầu tư, là phù hợp nguyên tắc thị trường, tránh áp đặt.

Ở góc độ khác, hiện số lượng phương tiện đã dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng rất thấp. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc phải có một tài khoản thu phí ETC riêng và người dùng muốn dùng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi, vừa gây bất tiện với chủ phương tiện, vừa khiến doanh nghiệp vận tải bị chiếm dụng một khoản tiền không nhỏ khi chưa sử dụng đến.

Ông Thanh cho biết, tại Chỉ thị 39/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ xe, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn nên việc thực hiện trong thời gian tới chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Nhưng đến thời điểm này, việc kết nối giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí vẫn chưa được thực hiện.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, việc lưu lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC thấp và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân sẽ gây rủi ro cho công tác thu phí của nhà đầu tư BOT khi bàn giao toàn bộ các làn chuyển sang hình thức thu phí không dừng và chỉ để lại 2 làn ngoài cùng sử dụng hình thức thu phí hỗn hợp ETC+MTC, vì có khả năng dẫn đến ùn tắc giao thông, thất thoát doanh thu cho doanh nghiệp dự án.

Với những vướng mắc trên, nhà đầu tư rất cần có sự tháo gỡ để vừa hài hòa lợi ích, vừa đảm bảo tiến độ thực hiện thu phí không dừng theo đúng chủ trương, kịp hạn chót đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng (ETC).

Tin cùng chuyên mục