Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Hạ viện Anh ngày 12/12 - Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 12/12 vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Đảng Bảo thủ cầm quyền. Tuy nhiên, việc hơn 1/3 số nghị sỹ trong đảng bỏ phiếu chống lại bà là một tín hiệu cho thấy Quốc hội Anh sẽ tiếp tục ở trong tình thế bế tắc về Brexit.
Theo tin từ Reuters, 200 nghị sỹ Bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ việc bà May tiếp tục giữ cương vị thủ lĩnh đảng, 117 nghị sỹ bỏ phiếu chống lại bà. Kết quả này cho thấy sự phản đối nhằm vào bà May không chỉ đến từ vài chục nghị sỹ muốn Brexit không thỏa thuận, mà còn đến từ nhiều nghị sỹ có quan điểm thực tế hơn. Sự phản đối đó đồng nghĩa với việc bà May khó sớm được Quốc hội thông qua kế hoạch đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit.
Kết quả trên hoàn toàn không phải là một sự khẳng định chắc chắn mà bà May cần khi bà tới Brussels vào ngày thứ Năm gặp 27 nhà lãnh đạo châu Âu khác nhằm làm rõ hơn về kế hoạch Brexit để trấn an những người còn hoài nghi ở London.
Hôm thứ Hai, bà May đã hủy một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh đối với kế hoạch Brexit của bà. Đây là kế hoạch mà bà đạt được với EU sau 2 năm đàm phán, nhằm mục đích duy trì mối quan hệ gần gũi giữa Anh với khối này sau Brexit. Bà May thừa nhận nếu được đem ra bỏ phiếu tại Quốc hội, kế hoạch sẽ dễ dàng bị gạt bỏ.
Thời hạn để Anh ra khỏi EU là vào ngày 29/3, nên sự phản đối của Quốc hội Anh đang mở ra khả năng sẽ có một cuộc Brexit gây xáo trộn lớn vì không có thỏa thuận, hoặc thậm chí là một cuộc trưng cầu dân ý khác về địa vị thành viên của Anh trong EU.
Bà May, người đã bỏ phiếu để Anh ở lại trong EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, đã cảnh báo những người phản đối kế hoạch Brexit của bà rằng nếu họ lật đổ bà, thì Brexit sẽ bị hoãn hoặc không diễn ra nữa.
Trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 12/12, bà May đã tìm cách giành sự ủng hộ của những nghị sỹ "nước đôi" bằng cách hứa sẽ từ chức Thủ tướng trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2022.
Brexit là quyết định chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những người ủng hộ nhất thể hóa châu Âu lo ngại rằng việc Anh rời khối sẽ làm phương Tây suy yếu trong bối cảnh nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, còn Trung Quốc và Nga có nhiều chính sách cứng rắn.
Brexit có hay không có thỏa thuận sẽ quyết định tương lai nền kinh tế 2,8 nghìn tỷ USD của Anh, đồng thời có những ảnh hưởng sâu rộng đến sự đoàn kết của nước Anh và địa vị của London là một trong hai trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng việc Anh rời EU có thể gây ra những thách thức tạm thời cho nền kinh tế nước này, nhưng trong dài hạn, kinh tế Anh sẽ tốt lên bởi không còn những ràng buộc của EU. Những người này xem EU như một cuộc thử nghiệm thất bại của người Đức về hội nhập châu Âu.
Bà May, 62 tuổi, trở thành Thủ tướng Anh trong bối cảnh xáo trộn sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi năm 2016. Trong cuộc bỏ phiếu đó, 52% cử tri Anh chọn ra đi và 48% chọn ở lại trong EU. Khi nhậm chức Thủ tướng, bà May hứa sẽ thực thi Brexit nhưng vẫn giữ quan hệ gần gũi với khối, nhằm mục đích hàn gắn mối rạn nứt trong lòng nước Anh.