Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT mở Chu Lai |
Theo quy hoạch, KKT mở Chu Lai là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực; một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là khu vực phát triển đô thị; là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà.
Đồng thời là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Quy mô đất đai, đến năm 2025, dự báo đất xây dựng công nghiệp khoảng 3.000 ha; quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch, dịch vụ khoảng 5.000 ha; đến năm 2035, dự báo đất xây dựng công nghiệp khoảng 5.010 ha; quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch, dịch vụ khoảng 7.000 ha.
Phát triển đô thị hiện đại, hấp dẫn
Về định hướng kiến trúc, cảnh quan, theo quy hoạch, phát triển đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khai thác cảnh quan sông Trường Giang, vịnh An Hòa.
Vùng cảnh quan ven biển, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng phòng hộ ven biển, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và không gian công cộng; vùng cảnh quan dọc sông Trường Giang, hình thành vùng cảnh quan cây xanh dọc hai bên bờ sông, tạo dựng các không gian sinh hoạt công cộng, nghỉ ngơi, thể dục thể thao, duy trì các hoạt động nông nghiệp.
Vùng cảnh quan Khu đô thị Núi Thành, Khu đô thị Tam Anh, khai thác cảnh quan khu vực hai bên bờ sông An Tân, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang, mặt nước vịnh An Hòa để tổ chức các công trình kiến trúc hiện đại; vùng cảnh quan Khu đô thị Đông Tam Kỳ, khai thác cảnh quan không gian mở của hồ Sông Đầm, hình thành công viên nông nghiệp đô thị, tổ chức quảng trường biển cho các hoạt động của cộng đồng; vùng cảnh quan Khu đô thị Đông Nam Thăng Bình, tạo lập các trục không gian hướng biển, hướng sông Trường Giang.
Trung tâm hành chính của KKT gắn với Trung tâm hành chính thành phố Tam Kỳ, quy mô tập trung, tạo lập hình ảnh hiện đại; trung tâm hành chính - chính trị đô thị Núi Thành, mở rộng quy mô trung tâm hiện hữu; cải tạo, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan.
Ưu tiên phát triển hệ thống phân phối hiện đại
Về định hướng phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, dịch vụ giao nhận vận chuyển (logistics) gắn với hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực, thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế.
Ưu tiên phát triển hệ thống phân phối hiện đại gồm các trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp, tài chính, ngân hàng, siêu thị, trung tâm vận chuyển, giao nhận hàng hóa, chợ đầu mối. Đầu tư phát triển hệ thống chợ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Về định hướng phát triển công nghiệp, từng bước phát triển theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường; các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, công nghiệp dệt may, công nghiệp khí - điện, hóa dầu, công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển, sân bay và một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khác.