Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, so với thời điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, tình hình hiện nay đã có nhiều diễn biến mới khác, phức tạp, khó lường.
Xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.
Ở trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ khi tình hình có những biến động. Vi phạm pháp luật liên quan tới bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề nổi lên.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã bám sát tình hình để có giải pháp linh hoạt, phù hợp. Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong quý I được kiểm soát ở mức 1,92% trước sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu năng lượng, cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh phục hồi và phát triển KTXH.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH 3 tháng đầu năm nhìn chung có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn. Chính phủ, các bộ, cơ quan đã quyết tâm, nỗ lực vừa hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên, xử lý các tình huống bất ngờ phát sinh, vừa tập trung giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Nhờ đó, tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo đà cho quá trình phục hồi KTXH trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo. Tiếp tục củng cố niềm tin, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 - 2023. Qua đó, yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo các biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn về năng lượng, lao động - việc làm, đầu tư…; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu phát triển KTXH cả năm được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông qua.
Về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, các bộ, cơ quan và địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, có thể tác động đến hiệu quả thực hiện Chương trình. Yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ nêu trên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2022.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.