Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công đang tăng cao và áp lực trả nợ của quốc gia là khá lớn.Ảnh: N.A |
Quốc hội dành trọn ngày 29/7 - ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV để lắng nghe, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016.
Khác với những kỳ họp Quốc hội khoá trước, báo cáo của Chính phủ đánh giá kinh tế xã hội giữa năm tại lần này do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội, thay vì để một Phó thủ tướng đại diện. Báo cáo lần này được nhiều đại biểu đánh giá là "đầy đủ", "nhìn thẳng và chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại trong nội hàm nền kinh tế".
Nói về những thách thức, khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt, Chính phủ nhận định đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. "Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Nếu tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt mục tiêu 6,7% đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2015, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách Nhà nước. Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Trong khi đó, bội chi ngân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Cơ cấu chi, theo Thủ tướng, còn bất hợp lý khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm, tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng từ 55% lên 65%, trong đó chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR (phản ánh hiệu quả sử dụng vốn, càng cao thì càng kém hiệu quả) bình quân giai đoạn 2011-2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.
Trong 11 trang của báo cáo, những thành tích được gói gọn trong 2 trang đầu tiên, phần còn lại được người đứng đầu Chính phủ dành nêu về hạn chế, tồn tại và những giải pháp cụ thể quyết liệt mà bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ dành trọng tâm thực hiện.
Đề cập đến giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện tăng cường kỷ luật tài chính, kiên quyết chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng hứa triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài; thực hiện lộ trình phù hợp cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ.
"Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016-2020; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung; quản lý chặt chẽ kinh phí xây dựng trụ sở và sử dụng tài sản công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho hay, việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lãng phí, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu là một trong nguyên do khiến nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ ở mức cao.
Dẫn con số nợ xấu ngân hàng đến cuối tháng 4/2016 là 2,81% so với tổng dư nợ, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhìn nhận, thực chất nợ xấu còn cao hơn nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đến tháng 5/2016, nợ xấu chuyển bán sang VAMC là 246.986 tỷ đồng, chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với tổng dư nợ.
Nêu 8 nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phải tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2016, riêng về kìm chế nợ công, nợ xấu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị, xây dựng phương án đổi mới phương thức hoạt động Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng của nhà nước tại Tổng công ty này. Cơ quan này cũng đề nghị phải đổi mới phương thức hoạt động VAMC và giảm nợ xấu do công ty này quản lý một cách rõ rệt.