Thủ tướng Lý Hiển Long mở đường cho thế hệ trẻ

(BĐT) - Khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo rằng, ông có ý định nghỉ hưu để mở đường cho một thế hệ lãnh đạo mới trẻ hơn dẫn dắt Đảng Hành động nhân dân (PAP), cả đất nước Singapore không khỏi hoang mang bởi việc tìm kiếm người kế nhiệm không hề dễ dàng.
Thủ tướng Lý Hiển Long và 3 ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Singapore trong tương lai (Heng Swee Keat, Chan Chun Sing và Ong Ye Kung)
Thủ tướng Lý Hiển Long và 3 ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Singapore trong tương lai (Heng Swee Keat, Chan Chun Sing và Ong Ye Kung)

Trao cơ hội cho người trẻ

Việc ông Lý Hiển Long công bố ý định rời khỏi vị trí Thủ tướng trước khi bước sang tuổi 70 và nhấn mạnh khả năng sẽ sớm hơn mốc này đã khiến toàn Singapore rung động. Việc tìm kiếm người kế nhiệm là khó tránh khỏi, nhưng đây là bài toán khó mà ông Lý Hiển Long, cũng như PAP phải tìm lời giải thích hợp.

Cuối cùng, những đồn đoán bấy lâu đã phần nào có lời giải vào cuối năm 2018, khi ông Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat), 57 tuổi, được bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng thư ký thứ nhất. Với vị trí mới, ông Heng chỉ dưới quyền của ông Lý Hiển Long trong đảng PAP.

Trên cương vị mới là Trợ lý Tổng thư ký thứ nhất của PAP, ông Heng Swee Keat là nhân vật cấp cao nhất của thế hệ lãnh đạo thứ tư - thường được gọi là thế hệ 4G - trong Ủy ban Điều hành Trung ương (CEC) của PAP. Trong lịch sử chính trị của Singapore, người được trao vị trí này là người có khả năng cao nhất trở thành Thủ tướng trong tương lai.

Bên cạnh ông Heng Swee Keat, có 2 gương mặt khác cũng trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Singapore trong tương lai. Đó là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing (49 tuổi), người đã được bổ nhiệm vị trí Trợ lý Tổng thư ký thứ hai của PAP và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ong Ye Kung (49 tuổi).

Thực tế, PAP đang có những động thái quyết liệt với việc mở đường cho thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ. Cụ thể, trong cuộc bầu cử nội bộ đầu tháng 11/2018, hàng loạt vị trí lãnh đạo tại CEC đã được thay thế bởi thế hệ 4G. Thậm chí, cả 2 Phó Thủ tướng Teo Chee Hean và Tharman Shanmugaratnam đều rời khỏi ủy ban này để nhường chỗ cho những nhà lãnh đạo trẻ hơn.

Trong bài viết trên Facebook của mình, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Quá trình chuyển giao lãnh đạo luôn phức tạp và là vấn đề nhạy cảm”, do đó, để tạo nên quá trình chuyển giao nhịp nhàng, việc “đội ngũ lãnh đạo mới dẫn dắt chúng ta tới cuộc bầu cử kế tiếp là điều rất quan trọng, không chỉ với PAP mà với cả tương lai của Singapore”.

Nhận định về những gương mặt lãnh đạo mới, ông Lý Hiển Long tỏ ra hài lòng bởi “ông Heng Swee Keat và Chan Chung Sing sở hữu sức mạnh bổ trợ, cùng với nhau, họ tạo ra một cặp bài trùng vững chắc”.

“Họ sẽ từ từ giành được niềm tin của người dân Singapore”, ông Lý Hiển Long chia sẻ.

Thiết lập sức mạnh tập thể

Trong phát biểu vào tháng 11/2018, ông Lý Hiển Long cho biết, Singapore cần tạo nên một văn hóa lãnh đạo mới, đó là đội ngũ lãnh đạo luôn tự đổi mới, đồng thời thiết lập sự gắn kết chặt chẽ trong đội ngũ thay vì phân tách như trong quá khứ.

“Đây không chỉ là vấn đề tìm đúng người kế nhiệm. Chúng ta cần thiết lập một đội ngũ hoàn thiện để dẫn dắt Singapore”, ông Lý Hiển Long cho biết.

Trong phát biểu vào tháng 11/2018, ông Lý Hiển Long cho biết, Singapore cần tạo nên một văn hóa lãnh đạo mới, đó là đội ngũ lãnh đạo luôn tự đổi mới, đồng thời thiết lập sự gắn kết chặt chẽ trong đội ngũ thay vì phân tách như trong quá khứ.

“Đây không chỉ là vấn đề tìm đúng người kế nhiệm. Chúng ta cần thiết lập một đội ngũ hoàn thiện để dẫn dắt Singapore”, ông Lý Hiển Long cho biết.

Qua những chia sẻ thêm về quá trình chuyển giao quyền lực và kinh nghiệm bản thân trong quá khứ của ông Lý Hiển Long, các nhà quan sát nhận thấy, vị thủ tướng này đang muốn đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải tổ Đảng PAP và đặt kỳ vọng nhiều vào thế hệ lãnh đạo 4G.

Cụ thể, ông Lý Hiển Long cho biết, quá trình chuyển giao của thế hệ lãnh đạo trước đó không hề dễ dàng. Trong quá trình chuyển giao, một số thành viên tiền nhiệm luôn tỏ ra lo ngại về thế hệ kế cận, nhất là khi đó, lớp người trẻ theo đuổi xu hướng kỹ trị và có phần đi ngược lại truyền thống chính trị tại đảo quốc sư tử.

“Một vài vị tiền bối cảm thấy rằng, họ có thể cống hiến nhiều hơn nữa và nên tiếp tục cầm chắc dây cương thêm một thời gian. Tuy nhiên, cuối cùng, họ cũng đồng ý đứng sang một bên. Họ đã chấp nhận quá trình này với một tầm nhìn rộng mở và sẵn sàng cho dòng máu tươi mới. Họ hiểu rằng, thế hệ lãnh đạo tiếp theo cần được đào tạo và thử nghiệm”, ông Lý Hiển Long chia sẻ.

Nhận thức rõ vấn đề này từ kinh nghiệm bản thân, ông Lý Hiển Long đã có chiến lược phù hợp để mở đường cho thế hệ trẻ. Thực tế, trong vài năm qua, ông Lý Hiển Long đã giới thiệu và bổ nhiệm nhiều bộ trưởng thuộc thế hệ mới và thử nghiệm họ ở các vị trí khác nhau.

Với những khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ kế cận, ông Lý Hiển Long chia sẻ thêm: “Ông Lý Quang Diệu sở hữu những “chiến binh” tinh nhuệ có thể đảm nhận tốt nhiều vị trí khác nhau trong nội các của mình. Nhưng tới thời kỳ của những Thủ tướng kế tiếp, nhiệm vụ mà Chính phủ Singapore phải thực hiện ngày càng phức tạp. Do đó, bộ máy điều hành không thể tiếp tục vận hành trơn tru nếu Chính phủ chỉ dựa vào một số bộ trưởng chủ chốt”.

Để thích ứng với những nhiệm vụ mới, việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo mới là cần thiết. Tuy nhiên, làm việc nhóm đòi hỏi sức mạnh tập thể xuất phát từ sự gắn kết.

“Chúng tôi thường có những ý kiến khác nhau, nhưng không có chuyện bè phái trong nội các. Mọi người đều xem mình là một phần của một đội ngũ và cùng cố gắng để dành những điều tốt đẹp nhất cho Singapore”, ông Lý Hiển Long nói. 

Khó khăn phía trước

Mustafa Izzuddin, hội viên Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak nhận định: “Việc ông Lý Hiển Long bổ nhiệm các vị trí Trợ lý Tổng thư ký thứ nhất và thứ hai đã xoa dịu mối lo lắng của người dân Singapore, đồng thời củng cố sự ổn định của hệ thống chính trị, tạo tiền đề để nền kinh tế tập trung vào mục tiêu tăng trưởng”.

Đây cũng là quan điểm chung của các chính trị gia, cũng như các thành viên thị trường tài chính tại Singapore, bởi mối lo ngại về những thay đổi lãnh đạo luôn hiện diện kể từ khi ông Lý Hiển Long công bố ý định nghỉ hưu năm 2015 tới nay.

Như vậy, hiện tại, đội ngũ lãnh đạo 4G mới của CEC sẽ dẫn dắt PAP tới cuộc bầu cử tiếp theo, phải được tổ chức chậm nhất vào tháng 4/2021. Trong đó, ông Heng Swee Keat được kỳ vọng sẽ đóng vai trò đầu tàu với “kỹ năng chính trị và ngoại giao đã được tôi luyện”.

Những thử thách tiếp theo mà thế hệ lãnh đạo 4G phải đối mặt là việc tăng trưởng thu nhập của người dân chậm lại và tình trạng mất công bằng xã hội gia tăng, trong bối cảnh dân số già đi, nền kinh tế đối diện những cơn gió ngược chiều.

Đáng chú ý, nếu là Thủ tướng, bên cạnh những vấn đề nội tại, ông Heng Swee Keat cùng đội ngũ lãnh đạo thế hệ 4G cần có chiến lược để đảm bảo lợi ích trước nhất và vấn đề an toàn của Singapore trước những xung đội lợi ích trong khu vực, mà đầu tiên là vấn đề với 2 “hàng xóm” Malaysia và Indonesia. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ có những tác động đáng kể tới các vấn đề thương mại, tài chính toàn cầu, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế của đảo quốc sư tử.

Ngoài ra, ông Heng Swee Keat còn phải giải quyết vấn đề mà bất kỳ “người mới” nào cũng gặp phải. Đó là xây dựng niềm tin đối với cử tri. Trong một cuộc khảo sát online được thực hiện bởi Yahoo Singapore đầu tháng 12, trong số 5.000 người trả lời, chỉ 37% cho rằng, ông Heng Swee Keat sẽ đảm nhiệm tốt vai trò Thủ tướng, trong khi có 55% đưa ra câu trả lời là “Không” và “Không chắc”.

Tin cùng chuyên mục