Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phải trở thành nơi “hội tụ trí tuệ, lan toả lợi ích”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang là trung tâm đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu kích thích tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi khu vực của nền kinh tế, mọi doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cả 3 đột phá chiến lược đều tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo, lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở, động lực cho sự phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cả 3 đột phá chiến lược đều tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo, lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở, động lực cho sự phát triển

Ngày 4/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hà Nội và cơ sở tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, NIC đã ghi nhận một số kết quả đáng kể. Thứ nhất, Trung tâm đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện trường – Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, các mạng lưới chuyên gia, trí thức, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính…

Ngày 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Ngày 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Những đối tác lớn và quan trọng của NIC có thể kể tới như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC…; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế, các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như Station F Pháp, Brainport Hà Lan, IMEC, Hub.brussels Bỉ, Adlershof Đức… cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.

Trung tâm cũng hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện/trường hàng đầu thế giới. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ hai, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ tư vấn giải pháp…

Trong đó, có thể kể tới chương trình phối hợp Quỹ đầu tư ADB Ventures hỗ trợ tài chính và đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp Google tập huấn cho các startups; phối hợp tổ chức chương trình VietChallenge tại Hoa Kỳ lựa chọn startup Việt tiềm năng để kết nối đầu tư, tổ chức các chương trình tư vấn khởi nghiệp, sáng tạo nhiều lĩnh vực…

Thứ ba là NIC đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại các viện-trường địa phương, phối hợp các đại học quốc tế lớn cung cấp khoá đào tạo về đổi mới sáng tạo: Phối hợp đối tác Google tổ chức Chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM, tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên.

“NIC đã từng bước khẳng định vai trò tiên phong để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trở thành hạt nhân liên kết, thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của các thành tố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước; trở thành đầu mối quốc gia về kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo với nhiều đối tác lớn trên thế giới”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện Việt Nam có 8 mạng lưới thành phần đổi mới sáng tạo tại các khu vực như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện Việt Nam có 8 mạng lưới thành phần đổi mới sáng tạo tại các khu vực như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nhấn mạnh về yếu tố nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Chúng ta có tài sản rất lớn là những con người Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, làm việc tại các tập đoàn, công ty, viện trường tên tuổi trên toàn cầu. Chúng tôi đã hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, hiện đã có 8 mạng lưới thành phần tại các khu vực như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang là quốc gia đầu tiên có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Các nước khác có trung tâm nhưng là phục vụ mục tiêu của tập đoàn, của địa phương, không phục vụ mục đích chung của quốc gia.

Chia sẻ tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội XIII của Đảng khẳng định và củng cố vai trò của đổi mới sáng tạo thông qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, “thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”. Cả 3 đột phá chiến lược này đều tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo, cũng như lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở, động lực cho sự phát triển.

“Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác. Từ đó tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả và phát triển. Tinh thần chung là hình thành trung tâm để hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.