Thừa Thiên Huế đột phá về hạ tầng, vươn tầm đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những dự án hạ tầng trọng điểm có vai trò kết nối, lan tỏa với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đang được Thừa Thiên Huế đầu tư đồng loạt, tạo động lực phát triển mới để tăng tốc phát triển khi Quốc hội thông qua Đề án Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Cầu vượt Nguyễn Hoàng thuộc Dự án Cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng đã được hợp long dựng vòm thép dài 380m. Ảnh: Tấn Hùng
Cầu vượt Nguyễn Hoàng thuộc Dự án Cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng đã được hợp long dựng vòm thép dài 380m. Ảnh: Tấn Hùng

Đến cuối tháng 9/2024, công trình cầu vượt Nguyễn Hoàng thuộc Dự án Cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng đã được hợp long dựng vòm thép dài 380m. Đây là dấu mốc quan trọng của dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Đại diện Liên danh nhà thầu thi công Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trung Chính - Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Anh - Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế cho biết, phần vòm thép ở vị trí thi công không thuận lợi do ở giữa sông, lại rơi vào khu vực có địa chất phức tạp nên việc hoàn thành các trụ và hợp long phần vòm thép góp phần đưa Dự án về đích theo đúng đường găng tiến độ (15/10/2024 hoàn thành mối nối mặt cầu hợp long toàn bộ cầu), cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành phần cầu.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư) cho biết, tiến độ thi công phần cầu đến nay đáp ứng được yêu cầu, các hạng mục thi công đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Riêng tiến độ thi công phần đường dẫn hai đầu cầu chậm do quá trình giải phóng mặt bằng (mặt bằng thi công chưa được giải phóng hoàn toàn, mới đủ mặt bằng triển khai phần cầu).

Chủ đầu tư cho biết thêm, cầu Nguyễn Hoàng nằm trên trục đường Vành đai 3 - trục đường chính kết nối khu vực Tây Bắc với khu vực Tây Nam TP. Huế, sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện triển khai xây dựng các khu đô thị mới thuộc Quy hoạch chi tiết khu vực Tây An Hòa, khu vực phía Bắc phường Hương Sơ và An Hòa, khu vực phường Hương Long, khu vực Kim Long, khu dân cư phía Tây TP. Huế và khu vực Thủy Xuân. Việc hình thành các khu đô thị mới này sẽ có tác động lan tỏa, tạo tiền đề đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 2 năm thi công, cầu vượt cửa biển Thuận An dài nhất miền Trung với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng đang được triển khai đúng tiến độ. Trong đó, Gói thầu xây lắp 2.082 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP 479 Hòa Bình thi công đã hoàn thành 50/52 trụ cầu, đạt hơn 70% giá trị hợp đồng, dự kiến hợp long trước tháng 12/2024, hoàn thành vào 25/3/2025.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng quan trọng khác đã và đang được đầu tư tại Thừa Thiên Huế như Cảng hàng không Phú Bài (2.250 tỷ đồng); đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai, đoạn Phú Mỹ - Phú Đa (105 tỷ đồng); đường Vành đai 3 (750 tỷ đồng) đang thực hiện giải phóng mặt bằng; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài (1.100 tỷ đồng)…

Để đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với đầu tư hạ tầng, Thừa Thiên Huế đang khẩn trương hoàn thành các đồ án quy hoạch. Bên cạnh Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành, Tỉnh đang tập trung hoàn thành Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Chương trình phát triển đô thị Tỉnh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, để kịp tiến độ đưa các dự án hạ tầng vào khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngay khi Quốc hội thông qua Đề án Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc; tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, bên cạnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đã ban hành Đề cương hành động giai đoạn 2022 - 2030 với việc ưu tiên thực hiện 19 nhiệm vụ để xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, lập, trình phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn Tỉnh (thời gian thực hiện năm 2023 - 2024); lập, trình phê duyệt hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị (năm 2024 - 2025); lập, trình phê duyệt đề án điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính theo định hướng quy hoạch (năm 2024 - 2030); phối hợp với Bộ Nội vụ lập, trình phê duyệt đề án thành lập các đơn vị hành chính đô thị (năm 2024 - 2029); lập, trình phê duyệt đề án công nhận Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I (năm 2028)… Nếu đúng theo lộ trình này thì đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ có 3 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng, Huế và Khánh Hòa.

Tin cùng chuyên mục