Thúc đẩy tăng trưởng từ cải thiện “nội lực” DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng thuận với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường nội lực để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu rõ quan điểm cần đẩy mạnh và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm nay, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết. Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu…

Về các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, bà Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị, cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, giảm thời gian, chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Bà Trần Thị Quỳnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề xuất, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn về tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo hướng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Theo bà Nguyễn Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, cần chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Cùng với đó, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua gồm: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất…

Về các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, năm 2024, chính sách tài khóa và tiền tệ đã được nới lỏng tối đa để hỗ trợ tăng trưởng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, đầu tư công được đẩy mạnh, song mức độ tăng trưởng từ đầu năm đến nay chưa đạt kỳ vọng.

Vị chuyên gia này cho rằng, bên cạnh những giải pháp tài khóa và tiền tệ, cần thúc đẩy các chiến lược nâng cấp nội lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn. Trong đó, chú trọng các giải pháp khơi thông vướng mắc và thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Từ thực tế phát triển của khu vực tư nhân và diễn biến kinh tế hiện nay, ông Linh cho rằng, cần thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng. Theo đó, cần thêm các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp Việt đứng vững trên thị trường nội địa, có thể xem xét chính sách bảo hộ “có chọn lọc” để mang lại giá trị tích cực và bảo đảm tuân thủ các quy định/cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, xem xét chia sẻ nguồn lực Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân thay vì dành chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước.

Chỉ có vai trò của Quốc hội và Chính phủ là chưa đủ

Phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hết sức khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực và đáng trân trọng. Đặc biệt, trong tháng 5, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đó là điều đáng mừng và kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai.

Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp quyết liệt và hiệu quả để giải quyết những vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, chuẩn bị điều kiện để đón các làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới. Bên cạnh đó, thúc đẩy các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đồng thời với việc triển khai những động lực, mô hình kinh tế mới, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là các hạ tầng chiến lược. Cải thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, khắc phục tâm lý sợ sai và sợ trách nhiệm, phát huy tình thần dám nghĩ dám làm, sửa đổi, ban hành các văn bản thi hành Luật Đất đai.

Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã thành lập 2 tổ công tác thực hiện, nếu cần có thể thành lập Ban chỉ đạo thực hiện để giải quyết dứt điểm các hạn chế trong triển khai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C.

Tuy nhiên, chỉ có vai trò của Quốc hội và Chính phủ là chưa đủ, các bộ ngành và địa phương cần thực sự đồng hành để hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị giám sát tại địa phương về công tác hỗ trợ doanh nghiệp.