Thúc doanh nghiệp thay đổi, đón cơ hội vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng tại Việt Nam thì kênh đầu tư gián tiếp đã chững lại khá lâu, thậm chí có xu hướng rút ròng trên thị trường vốn. Làm thế nào để vốn ngoại chảy mạnh trên 2 con đường trực tiếp và gián tiếp, góp sức gia tăng nguồn lực cho các mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước là câu hỏi lớn, cần sự hợp sức của các doanh nghiệp mới thành công.
Trong số gần 2.000 doanh nghiệp đại chúng Việt Nam mới có khoảng 30 doanh nghiệp thực hiện nới room ngoại lên 100%
Trong số gần 2.000 doanh nghiệp đại chúng Việt Nam mới có khoảng 30 doanh nghiệp thực hiện nới room ngoại lên 100%

Bức tranh lệch trong thu hút vốn quốc tế

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 02/3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cơ bản ổn định, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi. Đặc biệt, tổng vốn FDI đăng ký 2 tháng đầu năm nay đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023 (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2%), trong đó đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam có sự cải thiện. “Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trước đó, năm 2023, vốn FDI cũng ghi nhận kết quả tích cực khi giải ngân đạt 23,18 tỷ USD trên tổng vốn đăng ký 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Trong khi vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam thì trên thị trường vốn (kênh đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp), năm 2023 nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng hơn 1 tỷ USD. Hai tháng đầu năm 2024, khối ngoại tiếp tục bán ròng, với gần 3.000 tỷ đồng rút ra khỏi khoản đầu tư vào doanh nghiệp (DN) trong nước.

Tại các diễn đàn xúc tiến đầu tư, nhà đầu tư ngoại dành nhiều đánh giá tích cực cho Việt Nam khi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của cộng đồng DN. Tuy nhiên, ông Johan Nyvene, Chủ tịch Công ty Chứng khoán TP.HCM mới đây đã chỉ ra 3 yếu tố khiến Việt Nam “giậm chân tại chỗ” trong thu hút dòng vốn gián tiếp và nếu không cải thiện, tình trạng rút ròng có thể còn tiếp diễn, tiếp tục làm lệch thêm bức tranh thu hút vốn ngoại vào Việt Nam. Thứ nhất, hầu hết DN Việt Nam vẫn không rõ ràng, hoặc đang hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại (room) ở mức 49%, ngay cả khi kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không hạn chế. Thứ hai, hầu hết DN vẫn chỉ quen công bố thông tin bằng tiếng Việt, khiến nhà đầu tư quốc tế rất khó tiếp cận thông tin cũng như cơ hội đầu tư. Thứ ba, thị trường vốn Việt Nam kém cạnh tranh so với nhiều thị trường vốn quốc tế khi yêu cầu nhà đầu tư ngoại phải ký quỹ trước giao dịch (có đủ tiền trước khi mua chứng khoán) và nhà đầu tư ngoại không được sử dụng margin (vay vốn từ các tổ chức tài chính trung gian) để đầu tư như nhà đầu tư trong nước.

Vinamilk là doanh nghiệp Việt tiên phong trong việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại lên 100%, tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư gián tiếp

Vinamilk là doanh nghiệp Việt tiên phong trong việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại lên 100%, tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư gián tiếp

Thúc doanh nghiệp chủ động thay đổi

Kinh doanh đa ngành, nhưng năm 2016, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quyết định loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để mở room lên 100%. Bước chân tiên phong của Vinamilk mang đến lợi ích cho nhiều chủ thể: nhà đầu tư quốc tế rộng đường rót vốn vào Vinamilk, trong khi Công ty được gia tăng sức mạnh tài chính để phát triển. Điều đáng tiếc là, sau Vinamilk, mới có khoảng 30 doanh nghiệp chủ động làm gọn ngành nghề kinh doanh, nới room lên 100%, tạo cơ hội thực sự cho vốn ngoại gia tăng đầu tư vào DN nội.

Trao đổi với hơn 1.000 DN đại chúng tham dự Diễn đàn “Vì một mùa đại hội đồng cổ đông đổi mới và hiệu quả” do Viện thành viên Hội đồng quản trị (VIOD) tổ chức cuối tuần qua, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, để thúc đẩy sự thay đổi từ chính DN, trong lần sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán) tới đây, UBCK sẽ quy định rõ trách nhiệm của các DN đại chúng là phải rà soát ngành nghề đăng ký kinh doanh, chủ động làm gọn những ngành nghề không thực hiện và thông báo minh bạch tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại hàng năm. Đại đa số DN đại chúng hiện nay không rà soát, hoặc có rà soát nhưng không báo cáo/công bố room ngoại, nên giới hạn đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài vẫn phổ cập ở tỷ lệ 49%. Ở góc độ khác, giải pháp được UBCK đề xuất với Chính phủ, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trong lần sửa Luật Đầu tư tới đây, cần tiếp tục rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài ở những lĩnh vực đặc biệt của nền kinh tế.

Bà Tạ Thanh Bình cũng cho biết, quy định tới đây sẽ yêu cầu DN đại chúng quy mô lớn (có vốn góp của chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên) phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, dự kiến từ ngày 01/01/2025. Các DN nhỏ hơn dự kiến thực hiện nghĩa vụ này từ ngày 01/01/2026. Cùng với đó, để thị trường vốn Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư quốc tế, các nỗ lực cải thiện hạ tầng thị trường, kết nối tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đang được các bên liên quan triển khai thực hiện, nhất là khi đây là một yêu cầu tiên quyết phải làm, để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường vốn Việt Nam vào năm 2025.

Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp mới cho tới năm 2030 nếu vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết minh bạch và các DN cải thiện khả năng công bố thông tin bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại DN Việt Nam vẫn không cởi mở, không rõ ràng, thì ngay cả khi được nâng hạng, Việt Nam cũng sẽ chỉ nhận thêm một lượng vốn rất nhỏ, tối đa 5 tỷ USD đầu tư gián tiếp vào các DN nội.

Năm 2024, kỳ vọng 300 doanh nghiệp Việt Nam công bố thông tin bằng tiếng Anh

Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc điều hành Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, năm 2022, Việt Nam có 87 DN đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh, vẫn không đạt yêu cầu tối thiểu 100 DN đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh để tham gia chấm Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN.

Vì quá ít DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, nên Việt Nam không có sự lựa chọn khối DN tốt, tham gia chấm Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN. Kể từ năm 2012 đến nay, điểm quản trị công ty của DN Việt Nam luôn đứng vị trí thấp nhất trong số 6 quốc gia cùng tham gia chấm Thẻ điểm. Thực tế này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư tài chính quốc tế khi cân nhắc rót vốn vào DN Việt Nam.

Năm 2024, Tổng giám đốc VIOD kỳ vọng, Việt Nam sẽ có 300 DN đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh. Trên cơ sở này sẽ chọn ra 100 DN tốt nhất, tham gia chấm Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (2 năm chấm 1 lần). Ông Long cũng hy vọng, mức điểm quản trị của DN Việt Nam năm nay sẽ trên trung bình. Vị trí của Việt Nam được nâng cao sẽ góp phần cải thiện dòng vốn quốc tế vào DN nội.

Tin cùng chuyên mục