Thúc động lực tăng trưởng, tận dụng cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những số liệu tháng 1 được công bố cho thấy nền kinh tế tiếp tục trong xu hướng phục hồi, tạo đà để thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn trong thời gian tới cũng rất lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm, nỗ lực cao nhất để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là giải ngân vốn đầu tư công và khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có tín hiệu tích cực

Theo công bố ngày 1/2/2024 của S&P Global, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 1 tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. S&P Global nhận định, mức tăng nhỏ nhưng cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất có sự cải thiện, trong đó, có sự tăng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng. Đây là lần tăng đầu tiên trong 3 tháng, tổng số lượng đơn đặt hàng mới có dấu hiệu hồi phục ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu (số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023). Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi chứng kiến những bước cải thiện tích cực của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 cho biết, kinh tế tháng 1 có nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 2,58% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ năm 2023 (1,81%). Vốn FDI đăng ký đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2%; vốn FDI thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023…

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023. EuroCham đánh giá Việt Nam là "ngôi sao đang lên" về đầu tư trên toàn cầu và "nêu bật vị trí chiến lược" của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam được Nikkei đánh giá là "thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài"… Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. Theo Fitch Ratings, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025.

Tổng số đơn đặt hàng mới có dấu hiệu hồi phục ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tiên Giang

Tổng số đơn đặt hàng mới có dấu hiệu hồi phục ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tiên Giang

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Theo Bộ KH&ĐT, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường như sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Hoa Kỳ và EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu; tiêu dùng toàn cầu chưa có sự phục hồi rõ nét... Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn. Không những vậy, nhiều yêu cầu, thách thức lớn, cấp thiết cần phải xử lý mới có thể tận dụng, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại nổi bật, có tính lịch sử thời gian qua. Đây là những vấn đề lớn đặt ra cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trong đó năm 2024 cần được xác định là năm có ý nghĩa then chốt.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo, điều hành đã đề ra, có giải pháp, bước đi, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, không giật cục, phanh gấp. Phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ...; chủ động, linh hoạt ứng phó, thích ứng với tình hình, thúc đẩy các động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024. Cần kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tranh thủ các cơ hội mới, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen…

Thủ tướng nhấn mạnh phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm; nâng cao hiệu quả phối hợp, nhất là trong giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng; chủ động báo cáo và đề xuất giải pháp những vấn đề vượt thẩm quyền...