Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP: Một số địa phương còn cứng nhắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp (DN) trên cả nước đang được nối lại sau thời gian đình trệ vì dịch bệnh. Theo phản ánh của nhiều DN, đến thời điểm này, DN vẫn gặp không ít trở ngại, thậm chí có địa phương “một mình đi một đường” trong việc triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Cần nhanh chóng khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Cần nhanh chóng khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

19 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vừa có thư “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong việc mở lại sản xuất.

Trong thư, các DN bày tỏ, đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho DN, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của DN trong lúc khó khăn.

Các DN nhấn mạnh, Nghị quyết 128/NQ-CP quy định việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine. Tiền Giang đã áp dụng phân vùng 2 trên địa bàn Tỉnh từ đầu tháng 10/2021, rất nhiều cơ sở kinh doanh được phép hoạt động bình thường, người dân đi lại tự do nhưng lại không thể đi làm, DN vẫn phải đóng cửa, thiệt hại kéo dài.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đa số các DN trên địa bàn Tỉnh đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7/2021 đến nay. Trong khoảng thời gian này, DN đã và đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có”, các DN cho biết và bày tỏ thất vọng với những gì đang diễn ra tại địa phương.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, không chỉ có Tiền Giang, nhiều người dân, DN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có giải pháp gỡ vướng khi địa phương này vẫn thực hiện “ngăn sông cấm chợ” như chưa có Nghị quyết 128/NQ-CP.

Nhằm sớm được khôi phục sản xuất kinh doanh, 19 DN tại Tiền Giang mong muốn Chính phủ có giải pháp tháo gỡ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng cộng với hàng nghìn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng. Đồng thời, DN đề nghị xem xét không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”; cho phép người lao động đang sinh sống tại vùng 1 - 3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào ngày 1/11/2021…

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang cho biết: “Phản ánh của DN là chưa chính xác, bởi họ chưa hiểu rõ quy định. Để giải thích cho việc này, sáng 21/10, Tỉnh đã có cuộc họp báo để cung cấp rõ thông tin về việc Tiền Giang không tạo rào cản nào đối với DN trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh”.

Theo ông Trường, 19 DN nói trên đã tự nguyện đăng ký sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Đến thời điểm này, đã có 3 DN đăng ký phương án chuyển đổi mô hình trên để người lao động đảm bảo các điều kiện được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón làm việc được Ban thẩm định, phê duyệt.

Một chuyên gia về logistics nhấn mạnh, Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời kịp thời, phù hợp là dấu mốc cho việc cả nước chuyển qua giai đoạn bình thường mới. Song nếu việc thực thi không nghiêm, không linh hoạt thì vấn đề không chỉ là DN mất đơn hàng, người lao động mất việc mà cao hơn là đất nước mất cơ hội để phục hồi và bứt tốc sau dịch.

Để việc triển khai Nghị quyết hiệu quả, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần có bộ phận chuyên trách theo dõi việc thực hiện Nghị quyết ở các địa phương. Nơi nào cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh thái quá phải bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu…

Trước đó, tại Tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - Hướng tới bình thường mới”, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng có sự linh hoạt. Việc triển khai Nghị quyết 128 phải vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không “cát cứ”, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Tin cùng chuyên mục